Hội thảo tổng kết Dự án Li-chăn
Ngày 11/10, tại huyện Mai Sơn, Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo trực tuyến tổng kết Dự án nghiên cứu 'Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và cải thiện môi trường ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam' (gọi tắt là Dự án Li-chăn).
Dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Sơn La, có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Mai Sơn và các hộ chăn nuôi tham gia dự án tại xã Chiềng Lương và Chiềng Chung (Mai Sơn).
Dự án Li-chăn do Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) tài trợ, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) phối hợp thực hiện tại bản Khoa, Xam Ta (Chiềng Chung) và các bản: Mờn 1, Mờn 2, Oi, Buôm Khoang (Chiềng Lương). Thời gian thực hiện trong 2 năm 2020-2021, Dự án gồm 5 hợp phần: Di truyền; sức khỏe vật nuôi, thức ăn và cỏ chăn nuôi; sinh kế; môi trường.
Tại Hội thảo đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện Dự án can thiệp chăn nuôi về vấn đề môi trường, cải thiện giống cỏ chăn nuôi, thực hành sản xuất an toàn sinh học, hoạt động của các nhóm cùng sở thích... Đến nay, Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn về an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh, kỹ thuật thức ăn chăn nuôi cho gần 450 lượt nông dân, nhân viên thú y bản; tiến hành khảo sát, điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất chăn nuôi và tác động của chăn nuôi tới môi trường, tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất; triển khai những phương án cải thiện giống cỏ, thức ăn chăn nuôi; tăng cường khả năng tiếp cận giống cỏ và các vật tư trồng trọt, sử dụng, bảo quản thức ăn cho trâu, bò, xử lý chất thải chăn nuôi...
Qua nghiên cứu, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất thực tiễn và nhu cầu thị trường, Dự án đã can thiệp, đề xuất các biện pháp can thiệp để cải thiện các chuỗi giá trị, tư vấn, hỗ trợ các hộ tham gia dự án thành lập 5 nhóm đồng sở thích, với 60 hộ tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, giúp nâng cao thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hoi-thao-tong-ket-du-an-lichan-44129