Hội thảo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021
Sáng 6.3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp'.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát điều hành hội thảo.
Dự hội thảo có Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng; các thành viên Đoàn giám sát; Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực năng lượng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, từ những đòi hỏi thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 với rất nhiều công việc và hoạt động cần tiến hành, trong đó tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học để có thêm các ý kiến phân tích, đánh giá, đề xuất, kiến nghị từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý là rất cần thiết và có ý nghĩa.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũg nhấn mạnh, tại hội thảo, Đoàn giám sát muốn nghe các chuyên gia, nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng thực thi các chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp cụ thể. Qua đó, Đoàn giám sát sẽ có thêm cơ sở để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những đề xuất, kiến nghị thật sự “đúng” và “trúng”, vừa giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trước mắt, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn là chuyển dịch năng lượng thành công theo hướng công bằng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước ta.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian vừa qua, ngành điện đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, lưới điện phủ gần 100% các địa phương trên cả nước, với giá điện tương thấp hơn so với các nước trong khu vực, góp phần hạn chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Dù vậy, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cũng phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn, thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.
Một số ý kiến lưu ý, nhiều cơ chế quản lý kinh tế, đặc biệt là cơ chế quản lý đầu tư, kiểm tra, kiểm soát chi phí vẫn cơ bản theo cơ chế thời bao cấp, gây rất nhiều hệ lụy cho các dự án đầu tư vốn ngân sách và vốn xã hội hóa, đặc biệt là rủi ro cho các cán bộ quản lý tham gia quá trình ra các quyết định của dự án. Ngành điện cũng trong tình trạng này. Trong khi đó, việc thu hút lượng vốn lớn để thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ là một thách thức lớn nhất trong gia đoạn tới, song với cơ chế đàm phán hợp đồng mua bán điện theo Thông tư 57 hiện nay của Bộ Công thương sẽ không đủ để huy động vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án nhà máy điện.
Nhiều ý kiến đề nghị, cần sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, song không nên coi bản quy hoạch là một căn cứ pháp lý cứng. Bởi, với những biến động khôn lường trên thị trường năng lượng với các biến cố như chiến tranh, dịch bệnh, tranh chấp thương mại, cùng với sự tiến bộ nhanh chóng trong khoa học công nghệ, bản Quy hoạch chỉ mang tính định hướng trong ngắn hạn (10 năm) và phải có độ linh hoạt nhất định để điều chỉnh kịp thời phù hợp với các xu hướng bên ngoài. Các biện pháp điều hành thực hiện Quy hoạch điện VIII nói riêng, cũng như Quy hoạch phát triển năng lượng nói chung cần được điều chỉnh phù hợp với biến động về nhu cầu, tiến độ xây dựng nguồn và các công trình điện, giá cả các nguồn năng lượng…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, trên cơ sở các tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu và bài viết của các tổ chức, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý khác trong lĩnh vực năng lượng, Đoàn giám sát sẽ chỉ đạo việc nghiên cứu, chưng cất để xây dựng dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, cũng như nghiên cứu phục vụ việc tiếp tục tiến hành các hoạt động giám sát, khảo sát cụ thể của Đoàn.