Hơi thở thời đại
Lịch sử luôn luôn hiện hữu trên các trang báo của Thế giới & Việt Nam. Dấu ấn thời đại luôn ở đó, nếu 100 năm sau ai đó tìm đọc lại trang báo ngày hôm nay.
Thế giới & Việt Nam tròn 34 tuổi (29/11/1989-29/11/2023) - nếu tính năm thì nằm ngưỡng tuổi trưởng thành. Nếu nhìn vào thời khắc hơn ba thập niên qua, có thể thấy tờ báo đã thực hiện một sứ mệnh vô cùng lớn: Chuyển tải toàn bộ những thay đổi rung chuyển thế giới.
Đó là thời kỳ thế giới chấm dứt Chiến tranh lạnh (1991), là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.0 (những năm 2000) và gần nhất là kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19 (những năm 2020). Các bài viết đa dạng từ chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa Việt Nam và thế giới, những biến động xã hội cả ở tầm vĩ mô và vi mô đều xuất hiện trên các trang báo, không chỉ báo in mà cả báo điện tử.
Báo Quốc Tế trước đây và Thế giới & Việt Nam hiện nay ghi dấu trong lòng công chúng bởi sự chuẩn mực, chính xác và đáng tin cậy.
Chỉ bằng đấy những dấu mốc đã đủ để tập thể Báo luôn luôn tự hào, trân trọng bồi đắp và phát huy những thành quả đã qua. Vậy nhưng, các nhà báo thường hay tự vấn “Mình có đang theo kịp xu thế của thời đại không?”. Những người làm báo, hẳn vậy, thường bị ám ảnh bởi hai từ “tụt hậu”. Tin đã phát, các báo đã đưa, xã hội biết cả rồi, đâu là chỗ cho bản tin của mình? Áp lực của việc đưa tin ngày nay được tính bằng phút.
Sự lo lắng đó tưởng lớn, mà vẫn là “chuyện nhỏ”, vì “bàn tay” của trí tuệ nhân tạo (AI). Giả sử, khi mở máy tính lên, trong chưa đầy nửa phút, với câu lệnh “Cho tôi tin tức mới nhất ở Dải Gaza”, đáp án sẵn ngay một bài viết 450 từ về sự kiện vừa xảy ra ở Trung Đông. Thậm chí, với câu lệnh sát hơn “Hãy bổ sung phát biểu của các bên về sự kiện này”, sẽ có ngay bài viết thêm vào phát biểu của Thủ tướng nọ...
Công nghệ biến những việc tưởng chừng như thách thức trở thành đơn giản. Nhưng chính đó lại là thách thức vượt khỏi tầm dự đoán: Nếu robot làm thay được mọi công đoạn, nhà báo sẽ làm gì? Những việc Thế giới & Việt Nam có thể tiếp tục làm tốt hơn, đó là nâng cao kỹ năng kỹ thuật số như hiểu rõ về công nghệ blockchain, AI và big data, để có khả năng nắm bắt và phân tích thông tin hiệu quả, phát triển kỹ năng làm việc với các công cụ và nền tảng truyền thông xã hội mới.
Với xuất phát điểm là tờ báo in, Thế giới & Việt Nam đã không ngại ngần đầu tư những ứng dụng rất “thời thượng” của báo chí 4.0 như đồ họa, audio, video clip... Nhờ đó, Báo dần tiếp cận được các nhóm công chúng đa dạng với những góc nhìn mới mẻ và hiện đại.
Trên thực tế, lắng nghe nhu cầu của công chúng, kết nối với họ qua kênh báo chí và mạng xã hội, để hiểu hơn đối tượng phục vụ của mình, đồng thời duy trì tính minh bạch và chất lượng thông tin là những việc mà Thế giới & Việt Nam đã và đang làm để định vị và quan trọng hơn, duy trì chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
Nếu ví tin tức như thức ăn, thì bữa tiệc ngày nay thừa món hấp dẫn song không thiếu độc hại. Báo chí phải là người dẫn dường, nâng cao sự am hiểu và thẩm thấu văn hóa. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi người làm báo không ngừng học tập và trau dồi kỹ năng. Duy trì sự chuẩn mực, có nhiều hơn các bài viết phản ánh trung thực thời cuộc, xuất hiện nhiều hơn chân dung con người, với sự lý giải cắt nghĩa phân tích sự kiện thấu đáo... là điều mà bạn đọc luôn kỳ vọng ở tờ báo khi bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Lịch sử luôn luôn hiện hữu trên các trang báo của Thế giới & Việt Nam. Dấu ấn thời đại luôn ở đó, nếu 100 năm sau ai đó tìm đọc lại trang báo ngày hôm nay.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-tho-thoi-dai-252009.html