Hội tụ 12 ngành công nghiệp văn hóa tại Thủ đô

Với chủ đề 'Giao lộ sáng tạo', Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với sự giao thoa hội tụ của 12 ngành công nghiệp văn hóa, là một minh chứng mạnh mẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa trở thành mũi nhọn phát triển của Thủ đô.

Sự phát triển đa dạng của công nghiệp văn hóa Thủ đô

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 hội tụ nhiều ngành công nghiệp văn hóa hứa hẹn mang đến những sáng tạo vô cùng phong phú cho công chúng.

Bên cạnh các ngành du lịch văn hóa, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, thời trang, quảng cáo, phần mềm và trò chơi giải trí đã là thế mạnh của các mùa trước, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 tiếp tục thúc đẩy mở rộng sang lĩnh vực các không gian văn hóa sáng tạo, điện ảnh, truyền hình - phát thanh và xuất bản.

Nhiều ngành công nghiệp văn hóa được giới thiệu đến gần công chúng hơn qua các mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo trước đây.

Nhiều ngành công nghiệp văn hóa được giới thiệu đến gần công chúng hơn qua các mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo trước đây.

Sự hiện diện của ngành thiết kế kiến trúc (theo nghĩa hẹp) và tư duy thiết kế theo nghĩa rộng được thể hiện rất rõ ở các công trình biểu tượng của lễ hội. Trong đó, không gian “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” tận dụng chính cảnh quan ký ức của Cung Thiếu nhi đồng thời phủ lên đường nét kiến trúc ban sơ của công trình một diện mạo mới. Điều này không chỉ thể hiện sự trân trọng với những gì vốn hiện diện và lưu giữ trong lòng Cung Thiếu nhi Hà Nội mà còn gợi mở về cách nhìn nhận hết sức sáng tạo, cởi mở.

Theo đó, “Pavilion Hành lang ấu trĩ” với thiết kế kéo dài đến “vô tận” các hành lang ở Cung Thiếu nhi ra sân chung bên ngoài thể hiện một cách tiếp cận thú vị trong thiết kế kiến trúc. Điểm giao giữa các hành lang trong Cung trở thành những khối trưng bày chính, giúp công chúng nhìn ngắm và trân trọng những hành lang đã luôn hiện diện nhưng ít được chú ý tới.

“Pavilion Dòng” là cụm hai công trình kiến trúc được thiết kế tại khu vực Bắc Bộ phủ và Vườn hoa Diên Hồng nhằm đề đạt một ý tưởng khác là đưa công chúng đi từ một không gian “mở” (Vườn hoa Diên Hồng) đến không gian “đóng” (bên trong Bắc Bộ phủ) tựa như một dòng chảy lịch sử, dòng chảy ký ức từ cộng đồng đến riêng tư. Không gian dẫn đến các cánh cửa của Bắc Bộ phủ lần đầu tiên sẽ được mở ra và công chúng có thể quan sát được những điều thú vị về tòa nhà lịch sử ngay từ cụm kiến trúc này.

Những điểm mới

Sự xuất hiện của ngành mỹ thuật và nghệ thuật đương đại bao gồm các tác phẩm hội họa, điêu khắc, tranh ảnh, sắp đặt nghệ thuật sẽ góp phần tạo nên không gian nghệ thuật đa dạng và sinh động cho mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay.

Tác phẩm sắp đặt “Chiếc đồng hồ của ông tôi” của Đặng Thùy Anh, Hanoi Bedroom Shows và CLB Sao Tuổi thơ là dự án nghệ thuật sắp đặt trong không gian phòng múa ballet tại tầng 4 Cung Thiếu nhi Hà Nội cho thấy sự hòa quyện độc đáo của hình ảnh, ánh sáng, chuyển động và âm thanh.

Lấy cảm hứng từ cấu trúc vòm của nhà thiên văn trên tầng cao nhất của Cung Thiếu nhi Hà Nội và trò chơi đèn kéo quân của trẻ con, giám tuyển Vân Đỗ cùng nghệ sĩ Nguyễn Trần Nam cộng tác với Lý Trang đã dựng lên một triển lãm mỹ thuật với tên gọi “Những phóng tưởng mong manh” đem đến cho người xem cảm giác linh thiêng lạ kỳ và trải nghiệm thị giác đầy ý nghĩa.

Chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023.

Chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023.

Ngành thời trang năm nay tiếp tục có sự hiện diện mạnh mẽ tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Những bộ sưu tập mới nhất, thể hiện sự sáng tạo và cá tính riêng của mỗi nhà thiết kế qua “Trình diễn thời trang Học viện Thiết kế và Thời trang London” hay sự kiện “Hanoi Fashion Journey 2024” do diễn đàn Sinh viên thời trang Việt Nam tổ chức hứa hẹn đem đến những phút giây mãn nhãn, đồng thời quảng bá tôn vinh các nhà thiết kế trẻ ngay tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám và Nhà hát Lớn lịch sử.

Lĩnh vực âm nhạc là không thể thiếu, một điểm nhấn đặc biệt là sự trở lại của show “Rock: Hà Nội chốn đi về” - một trong những chương trình biểu diễn ngoài trời quy mô lớn trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Ở một quy mô ấm cúng hơn, workshop “Trạm Chơi - Những thanh âm ngẫu hứng” được điều hành bởi nghệ sĩ Ian Richter cùng giám tuyển Ngụy Hải An sẽ tập trung vào việc tạo ra những âm thanh ngẫu hứng từ các nhạc cụ được làm từ vật liệu tái chế như vỏ chai, hộp, ống nhựa, gỗ đã qua sử dụng.

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (sân khấu) với các vở kịch, các màn biểu diễn nghệ thuật đương đại sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị và mới lạ cho khán giả. Đơn cử, dự án “Thổ Địa” là tác phẩm sân khấu sẽ được trình diễn lần đầu tiên ở Việt Nam tại Rạp Khăn Quàng đỏ, Cung Thiếu nhi Hà Nội trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Công nghiệp trò chơi và phần mềm với các trò chơi điện tử, thực tế ảo cũng là điểm nhấn sẽ thu hút giới trẻ mùa lễ hội, trong đó “workshop khoa học sáng tạo STEM và Robot HUNA” là điểm hẹn thú vị không thể bỏ lỡ dành cho các bạn trẻ yêu thích học hỏi thông qua khám phá và sáng tạo.

Sự xuất hiện của nhiều ngành công nghiệp văn hóa và sự giao thoa giữa các ngành trong mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo còn được thể hiện qua các hội thảo bàn về xu hướng và tầm nhìn sáng tạo cho TP như: hội thảo “Di sản văn hóa phi vật thể và việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô Hà Nội - Lý luận và thực tiễn”; hội thảo “Xây dựng mô hình, sản phẩm công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản văn hóa phi vật thể ở Thủ đô Hà Nội”; tọa đàm “Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo”…

Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa, tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo" của UNESCO. Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với sự giao thoa hội tụ của 12 ngành công nghiệp văn hóa, là một minh chứng mạnh mẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa trở thành mũi nhọn phát triển của Thủ đô.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoi-tu-12-nganh-cong-nghiep-van-hoa-tai-thu-do.html