Hội tụ nội dung và công nghệ là 'chìa khóa' mở con đường mới các tòa soạn hiện đại
Những kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí sẽ là gợi mở về cách thức triển khai mô hình tòa soạn số, trong đó có công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI)...
Với mục tiêu góp phần thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số cơ quan báo chí và hướng tới một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, rất nhiều ý kiến tham luận có giá trị tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức ngày 17/8/2023.
PHÁT TRIỂN CÁC MÔ HÌNH TÒA SOẠN SỐ
Tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được xem là chìa khóa để mở con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại.
Để thực hiện được việc này, ông Minh cho rằng cần một sự tích hợp và hội tụ cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo. Theo đó, mô hình tòa soạn số trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí thế giới nói chung và cơ quan báo chí Việt Nam nói riêng.
Mô hình tòa soạn số trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí thế giới nói chung và cơ quan báo chí Việt Nam nói riêng.
Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí, đặc biệt là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn; chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm, ông Minh nói.
Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
Trong số những công nghệ sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay, nổi bật nhất là vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (Bockchain) trong quản lý tòa soạn số, trong tổ chức sản xuất sản phẩm cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông.
Trong tham luận gửi Hội thảo, PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng để chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn số, mỗi cơ quan báo chí cần xác định được mô hình tòa soạn số là đích của chuyển đổi số. Mô hình này phải đáp ứng được sự hội tụ: Nội dung số- Công nghệ số- Công chúng số- Kinh tế số- Hệ sinh thái số.
Tương ứng với sự hội tụ này là mô hình hội tụ bốn khu vực của tòa soạn số, gồm: sản phẩm số, hoạt động nghiệp vụ số, công chúng số; kinh tế số- quản trị, kinh doanh sản phẩm báo chí số và các dịch vụ giá trị gia tăng.
Mô hình tòa soạn số ứng dụng các thành tựu công nghệ số, báo chí dữ liệu và truyền thông đa phương tiện được mô tả với các thành tố: chủ thể truyền thông; dữ liệu đa phương tiện; chương trình tương tác; thành tựu cách mạng công nghệ; sản phẩm- kênh- nền tảng truyền thông đa phương tiện; công chúng truyền thông đa phương tiện; dự án Phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện; truyền dẫn và hệ thống điều khiển.
Điều kiện thực thi báo chí số là có một tòa soạn số đặt trong một hệ sinh thái số và nguồn nhân lực có năng lực tổ chức, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ báo chí số.
THAY ĐỔI TƯ DUY LỐI MÒN, THỂ HIỆN NĂNG LỰC TRONG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính và Viễn thông, cho rằng trong xu thế chuyển đổi số chung của tất cả các ngành lĩnh vực, chuyển đổi số báo chí sẽ trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí. Thực chất của chuyển đổi số báo chí là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông…
Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng. 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, Chiến lược triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông làm rõ luận cứ khoa học của nội hàm “tòa soạn số”, đặc biệt trong bối cảnh hội tụ và tích hợp dựa trên công nghệ số tại các cơ quan báo chí hiện nay. Đồng thời, bàn luận và chỉ ra những vấn đề mới đang đặt ra cần phải tiếp tục nghiên cứu đối với xây dựng tòa soạn số ở Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh việc công bố các nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng AI sẽ giới thiệu về blockchain, mở rộng bàn luận nhằm tìm kiếm các sáng kiến ứng dụng công nghệ số trong mọi bước, mọi khâu, mọi lớp cấu trúc của tòa soạn số, thực tiễn và kinh nghiệm quản trị tòa soạn số ở các cơ quan báo chí- từ vấn đề quản trị tác quyền và sở hữu trị tuệ, đến phân phối và quản lý nội dung, quản trị nhân sự, quản trị công nghệ, quản trị kinh doanh và kinh tế báo chí.
Các chuyên gia, đại diện tòa soạn tiên phong trong ứng dụng công nghệ, quản trị tòa soạn số cũng nhấn mạnh tới chủ thể số, nền tảng số và các công cụ số cho sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phân phối và kinh doanh các loại hình báo chí số như: báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động.
Những điều này có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực báo chí khi ứng dụng các công nghệ vượt trội từ đó thay đổi tư duy, lối mòn quản trị, thể hiện năng lực trong hoạt động đổi mới sáng tạo…
Theo chuyên gia, nếu xây dựng được tòa soạn số sẽ tận dụng được những lợi thế về mặt công nghệ, thông tin để thực hiện các hoạt động báo chí. Tăng cường sức gắn kết với bạn đọc, có quy trình cải tiến về công nghệ, hoạt động của tòa soạn nhằm rút ngắn thời gian sản xuất. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp các cơ quan báo chí thực hiện hiệu quả hơn việc phân tích, quản lý dữ liệu…
Những kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí sẽ là gợi mở về cách thức triển khai mô hình tòa soạn số, trong đó có công nghệ Blockchain và AI. Từ đó góp phần thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số cơ quan báo chí và hướng tới một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.