Hội tụ sức mạnh toàn dân tộc

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đặt cả đất nước trước thử thách vô cùng cam go, cấp bách. Với quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, cả dân tộc đã và đang chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch, giảm nhẹ các hệ lụy của 'cơn sóng dữ Covid-19'.

Sự tham gia tích cực của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đóng góp vai trò quyết định trong thành công của công tác ngoại giao vaccine. Ảnh: MINH THÀNH

Sự tham gia tích cực của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đóng góp vai trò quyết định trong thành công của công tác ngoại giao vaccine. Ảnh: MINH THÀNH

Toàn dân tộc muôn người như một

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết cùng chống đại dịch Covid-19. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh: "Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh".

Lời hiệu triệu này được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có biểu hiện gia tăng phức tạp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trước đó đã và đang gây ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trên thế giới, Việt Nam được ghi nhận là một trong số rất ít quốc gia đạt tăng trưởng dương, với mức tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 3%. Ở góc độ y tế, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng sau thành công ngăn chặn ba đợt bùng phát dịch, với số lượng ca nhiễm và tử vong rất thấp.

Bước sang năm 2021, khi biến thể Delta làm bùng phát làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch Covid-19 với tốc độ lây lan chóng mặt, Việt Nam cũng chịu tác động rất nghiêm trọng, xuất hiện nhiều điểm nóng tại nhiều địa phương. Trước tình hình đó, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa ra Lời kêu gọi lần thứ hai, tiếp tục nhấn mạnh: "Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng".

Nội dung hai lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa quan trọng, khích lệ các lực lượng tuyến đầu cả nước trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm lo cho sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Đồng thời, đó cũng là sự chia sẻ, động viên toàn thể nhân dân cả nước đang trong bối cảnh phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, do yêu cầu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Chung sức, đồng lòng

Bộ Chính trị, Ban Bí thư coi phòng, chống đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên trong các quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cấp, các ngành và các địa phương. Tinh thần này tập trung cao độ ở Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Điện ngày 21/7/2021 của Thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và trước đó là Công văn số 79-CV/TW ngày 29/1/2020 của Ban Bí thư về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Ngay tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội XV cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp với tỷ lệ tán thành 100%, trong đó có cơ chế đặc biệt dành cho Chính phủ và Thủ tướng để thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ cùng tập thể Chính phủ đã và đang vào cuộc rất quyết liệt, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Nhiều biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 đã được ban hành. Công tác bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội được tăng cường. Đối với doanh nghiệp, Chính phủ đã triển khai nhiều đợt giảm lãi suất, thuế và các hình thức hỗ trợ khác. Đối với nhân dân, công tác bảo đảm an ninh y tế, chăm sóc sức khỏe tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt là tại các điểm nóng.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 trong nước cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh. Việc thử nghiệm tiếp tục đạt nhiều kết quả rất quan trọng, và đang bước vào giai đoạn nước rút để có thể sử dụng đại trà.

Thành quả rất ý nghĩa của "ngoại giao vaccine"

Trong chiến lược phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay, tiêm vaccine miễn phí toàn dân là chủ trương nhất quán, khẳng định sự quan tâm chu đáo của Đảng và Nhà nước khi đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết.

Với chủ trương "bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết" và yêu cầu cấp bách về phòng, chống đại dịch Covid-19, ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Theo đó, Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành, kết hợp với phát huy tối đa mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vaccine, tích cực vận động các đối tác viện trợ vaccine và trang thiết bị y tế.

Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong và ngoài nước, không có cuộc làm việc đối ngoại nào của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước không đề cập đến hợp tác về vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác. Thực tế thời gian qua cho thấy sự tham gia tích cực của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong công tác ngoại giao vaccine đã đóng góp trực tiếp, rất có ý nghĩa vào quá trình mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận nguồn cung vaccine ngoài nước, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị đã nỗ lực với quyết tâm cao nhất, vượt bậc để từng bước đẩy lùi dịch bệnh, thể hiện sâu sắc vai trò của khối đoàn kết toàn dân tộc trong những thời khắc khó khăn của đất nước. Trong đó, công tác ngoại giao vaccine và những đóng góp trực tiếp của các hoạt động đối ngoại cấp cao đã và đang đem lại những thành tựu rất có ý nghĩa, góp phần tạo nền tảng vững chắc để nền kinh tế trở lại đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới.

Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đều đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế, trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng đã tiếp cận và nhập khẩu một số loại thuốc điều trị, trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá hàng chục triệu USD từ sự hỗ trợ của hơn 20 đối tác, tổ chức quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhiều nước cam kết hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine với Việt Nam.

LÊ TÙNG - Ban Đối ngoại Trung ương Đảng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/hoi-tu-suc-manh-toan-dan-toc-667682/