Hồi ức Chơn Thành
Chúng tôi đến thăm cựu chiến binh, thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Rớt ở ấp Suối Ngang, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành vào một buổi chiều cuối tháng 3. Cái nắng gay gắt của mùa khô miền Đông Nam Bộ càng làm tăng thêm sự hồi hộp, cam go, khốc liệt của cuộc chiến giải phóng Chơn Thành qua hồi ức người cựu chiến binh này.
“Cha tôi bị thương trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhà tôi có 10 anh, chị em thì nhiều người trong số đó tham gia cách mạng. Chính vì thế, tư tưởng, ước mơ về một cuộc sống tự do, hòa bình, độc lập hình thành trong tôi từ rất sớm” - thương binh Nguyễn Văn Rớt mở đầu câu chuyện của mình như thế.
Những năm Mỹ - ngụy dồn dân Nha Bích vào ở trong các ấp chiến lược, thiếu niên Nguyễn Văn Rớt đã trở thành sợi dây kết nối bà con với cách mạng, trực tiếp tham gia tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội. “Để qua mắt địch, chúng tôi nghĩ ra cách khoét lỗ trong chiếc ách bò (cái quàng trên cổ con bò để máng xe vào), giấu thuốc kháng sinh, muối, bột ngọt, đường... vào trong đó. Khi qua cổng ấp chiến lược, bọn địch thường chỉ kiểm tra trên, dưới thùng xe, rất ít khi kiểm tra ách bò nên đều trót lọt. Cũng có khi chúng tôi khoét lỗ nhỏ trên quả dưa hấu, móc hết ruột ra, đổ gạo vào rồi bịt kín lại ngụy trang, địch cũng rất khó phát hiện” - ông Rớt hồi tưởng.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Rớt trao đổi với phóng viên - Ảnh: Ðặng Hùng
Năm 1969, ông Rớt chính thức thoát ly gia đình, đi giao liên, sau đó công tác trong cơ quan kinh tài. Người cựu chiến binh này vẫn nhớ như in khoảng thời gian diễn ra cuộc tiến công giải phóng Chơn Thành: 6 giờ sáng 21-3-1975, từ các hướng, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công các vị trí trong Chi khu Chơn Thành. Địch chống trả quyết liệt nhưng ta vây ép chúng ngày càng chặt. Ngày 31-3-1975, ta tiếp tục tăng cường thêm lực lượng mở đợt tấn công mới. Pháo và bom địch rải thảm xung quanh cứ điểm, đánh mạnh vào đội hình ta. Dù vậy, vòng vây Chi khu Chơn Thành vẫn bị siết chặt, địch không thể thoát khỏi thế bị vây hãm. Sáng sớm 2-4, không có quân cứu viện, địch ở Chi khu Chơn Thành phải mở đường máu tháo chạy. Đến chiều cùng ngày, ta đã giải phóng hoàn toàn thị trấn Chơn Thành. Tại xã Hưng Long, địch cố thủ và chống cự quyết liệt, nhưng đến 22 giờ ngày 2-4, chúng cũng phải đầu hàng. Hưng Long là nơi cuối cùng ở Chơn Thành được hoàn toàn giải phóng.
Ông Rớt chia sẻ: “Thời điểm trước trận chiến, chúng tôi đang ở gần sát Chơn Thành, chỉ đợi khi bộ đội giải phóng xong là chúng tôi vào tiếp quản ngay. Sáng 2-4 tại ngã tư Chơn Thành, không khí vô cùng khẩn trương và náo nức. Nhân dân phấn khởi, người múc nước, người lấy nước dừa, nước đá cho bộ đội và dân chính đảng. Khi có chính thức thông tin giải phóng Chơn Thành, niềm vui trong chúng tôi vỡ òa. Mọi người ôm nhau khóc”. Ngay sau đó, ông Rớt cùng đồng chí, đồng đội nhanh chóng bắt tay vào việc tiếp quản. Mọi người chia ra từng nhóm, đi vào chi khu, các đồn, bốt của địch, thu gom, tiếp quản súng đạn của địch. “Chúng tôi cũng làm công tác dân vận, gặp gỡ, động viên người dân yên tâm, không hoang mang, dao động tinh thần. Bộ đội đã về giải phóng Chơn Thành. Bom đạn chấm dứt, hòa bình đã được lập lại” - ông Rớt kể.
Những ngày đầu sau giải phóng, Chơn Thành bị bom đạn cày xới điêu tàn, nhưng Đảng, chính quyền và nhân dân Chơn Thành quyết tâm khắc phục vết thương chiến tranh để hồi sinh lại mảnh đất này. Người dân Chơn Thành từ các nơi tứ tán trở về, san lấp hố bom, dựng lại mái nhà, trồng lại vườn cây, nỗ lực xây dựng cuộc sống mới. Con em cũng được đến trường học chữ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Rớt thăm vườn điều đang mùa ra trái
50 năm sau ngày giải phóng, Chơn Thành đã có những bước phát triển vượt bậc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Nhiều hộ xây được nhà khang trang, có xe ôtô, đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Điện, đường, trường, trạm, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ. Chơn Thành hiện còn rất ít hộ nghèo và cận nghèo. Dự kiến hết năm 2025, toàn thị xã sẽ không còn hộ nghèo.
Trải qua 70 mùa xuân của đời người, cựu chiến binh Nguyễn Văn Rớt đã cống hiến tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất và một phần xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc, cho khát vọng giải phóng Chơn Thành khỏi ách thống trị của Mỹ - ngụy. Trở về đời thường, người cựu chiến binh ấy cảm thấy hài lòng với cuộc sống an nhiên hiện tại.
“Tôi kỳ vọng trong tương lai, Chơn Thành sẽ ngày càng phát triển, có đường cao tốc, đường xe lửa, có khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Tôi muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay phải cố gắng học tập, tiếp bước ông cha đi trước, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử của dân tộc để xây dựng và phát triển thị xã Chơn Thành “năng động, sinh thái, thông minh”, qua đó góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh” - ông Rớt bày tỏ.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171011/hoi-uc-chon-thanh