Hồi ức chuyện cũ
Xóm Lò Bún Sóc Trăng ngày trước có nhiều bà con lao động sinh sống. Tuy vậy, nếu so với ấp Lền Kía gần đó, người lao động còn nhiều hơn. Gia đình tôi ở xóm dưới nhưng rất gần gũi với bà con xóm trên. Ngoại tôi quen nhiều người ở Lền Kía, thỉnh thoảng họ đi ngang nhà ghé vào chuyện vãn đôi câu. Tuy không cùng ấp nhưng bà con quen biết lẫn nhau, cư xử thân tình. Tình nghĩa ấy nghĩ lại vô cùng ấm áp.
Dân Lền Kía có nhiều nhà sinh sống bằng nghề chài lưới. Từ nghề chài lưới sinh thêm nghề vá chài. Đây là công việc của phụ nữ chuyên vá lưới cho những nhà đóng đáy. Tuy việc làm có lúc không đều nhưng có đồng ra đồng vô cũng đỡ đần cho gia đình. Đồng tiền từ sức lao động làm ra rất đáng quý.
Một đặc điểm khác, dân ở đây có nhiều người bán hàng rong. Mỗi ngày các mẹ, các chị tỏa đi khắp nơi để buôn bán. Nào xôi, chè, bún nước lèo, cháo giò heo, bánh lọt, hủ tiếu… phục vụ bà con đến tận nơi. Tuy vậy, những gánh cháo hay bún rất nặng vì đồ đạc kèm theo đủ thứ, thêm bếp lửa nóng hổi dưới cái nồi to đùng, phụ nữ gánh đi không phải là điều dễ dàng. Thế là sinh thêm nghề gánh mướn. Mỗi buổi sáng và chiều, người gánh nồi bún hay cháo đến nơi cố định cho người bán, bởi hàng quá nặng nề không thể bán rong được. Người gánh chỉ lãnh gánh chuyến đi, còn chuyến về, hàng đã bán hết rồi, người bán tự lo. Có người lãnh gánh cho mấy mối hàng cũng có chút đỉnh tiền tiêu vặt qua ngày!
Cháo giò heo ngày ấy có nhiều người bán nhưng cháo giò heo của dì Tư ngon có tiếng. Ngoài bí quyết nấu nướng, các nguyên liệu đều được chọn lựa rất kỹ lưỡng. Khi heo vừa được mổ xong ở lò, chân giò heo toàn lựa chân giò sau ngon hơn chân giò trước và chúng được bán hết trong ngày không để lại hôm sau. Nhìn nồi cháo to đùng, phải hơn cả trăm tô mỗi buổi bán. Buổi sáng, dì Tư bán ở chợ Sóc Trăng, buổi chiều dì bán gần rạp Nguyễn Văn Kiển. Nghề bán cháo đã đem lại thu nhập nhiều hơn so với những người phụ nữ vá lưới ở cùng xóm.
Hồi tôi khoảng 10 tuổi, có một sự việc xảy ra trước nhà tôi. Chú Chín gánh cháo giò heo cho dì Tư, không rõ do bất cẩn như thế nào, mới sáng sớm đã vấp ngã té nhào, nguyên gánh cháo đổ ập xuống đường (năm ấy đường Lò Bún còn là đường lộ đá lởm chởm chưa được trải nhựa). Cháo đổ lênh láng ngoài đường, những khoanh giò heo tung tóe khắp nơi. Trong xóm có người chạy ra coi có giúp gì được không nhưng mọi sự đã rồi. Chú Chín đứng như trời trồng, mặt buồn hiu mếu máo muốn khóc. Tôi nghe chú than thở: “Thôi chết rồi, hôm nay không có đồ bán, điệu này con Tư nó chửi tui tắt bếp rồi. Phen này tiền đâu mà đền nguyên gánh cháo cho nó!”. Có người an ủi: “Chuyện này đâu ai muốn. Có bà con trong xóm chứng kiến, chỉ do xui rủi, thôi đừng buồn nữa”.
Dì Tư ngồi ở chợ chờ hoài sao không thấy chú Chín gánh cháo tới, tới chừng hay sự việc cũng tiếc rẻ vì mất một buổi bán, mất đi cả vốn lẫn lời. Người trong xóm thấy hoàn cảnh gia đình chú Chín rất đáng thương có ngỏ ý muốn hùn tiền lại giúp chú đền nồi cháo nhưng dì Tư từ chối và bảo phần này mình chịu thiệt, mặt mũi nào đi bắt thường chú coi sao được!
Chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ, bây giờ những người trong cuộc đã trở thành người thiên cổ lâu lắm rồi. Tôi vẫn không quên khuôn mặt thất thểu và đầy âu lo của chú Chín, nó cứ hằn sâu trong trí nhớ mỗi khi tôi nhớ về chú. Thỉnh thoảng nhớ lại câu chuyện cũ, thương cách cư xử đầy nhân hậu của những con người ngày cũ. Đó là những con người có thể nghèo tiền nghèo bạc nhưng tình nghĩa không nghèo.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/hoi-uc-chuyen-cu-56206.html