Hồi ức của cựu chiến binh bắt giữ tổng thống Dương Văn Minh và nội các
'Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, ký ức cùng chỉ huy và đồng đội bắt sống và buộc tổng thống Dương Văn Minh, cùng nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện là rất thiêng liêng, mãi bền vững cùng thời gian'.
Đã qua 46 năm, nhưng với cựu chiến binh Nguyễn Khắc Nhu thời khắc lịch sử vào trưa ngày 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập như vừa xảy ra, vẫn đong đầy cảm xúc hạnh phúc, mừng vui, sung sướng đến tột độ khi thấy nước nhà được thống nhất, non sông về một mối, trăm họ hết lầm than, đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Bởi thế, khi chúng tôi vừa gợi hỏi, câu chuyện ấn tượng, hào khí từ nhiều năm trước cứ theo dòng cảm xúc mà ùa về nguyên vẹn trong ông.
Chỉ vào tấm ảnh quân Giải phóng đang áp giải tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa 30-4-1975, ông Nguyễn Văn Nhu (Nguyễn Khắc Nhu) sôi nổi giới thiệu: “Người đi bên trái ông Dương Văn Minh là chiến sĩ Bàng Nguyên Thất, bên phải là Phó trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ, sát ngay phía sau và cầm súng ngắn là tôi - Nguyên Văn Nhu, cùng một số đồng chí khác. Chúng tôi đều là cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304, Quân Đoàn 2. Ảnh này do một nữ ký giả người Pháp ghi lại”.
Chia sẻ lại cảm xúc vào thời khắc lịch sử đã được ghi lại bằng tấm ảnh chân thật, đầy sinh động, ông Nhu xúc động nói: “Đó là thời khắc hạnh phúc nhất trong đời binh nghiệp của tôi, cũng như một số đồng đội. Sáng 30-4-1975, sau khi nhận nhiệm vụ tiến công nhanh chóng vào nội đô Sài Gòn, với mục tiêu là đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài phát thanh và Bộ tư lệnh Hải quân của địch. Trong suy nghĩ của chúng tôi là quyết tâm hành quân thần tốc, sớm có mặt tại Dinh, đánh chiếm được mục tiêu là thành công.
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, chiếc xe Jeep của Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ vọt theo xe tăng của Đại đội 4 Lữ đoàn Thiết giáp 203 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy, tiến vào trước cửa dinh Độc Lập. Trong lúc Đại đội trưởng Bùi Quang Thận lên kéo cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập, chúng tôi xông lên gác, tiến vào phòng họp, nơi tổng thống Dương Văn Minh và nội các có mặt đầy đủ. Trước đó, đơn vị chúng tôi xây dựng phương án tác chiến, bảo vệ mục tiêu là chính, chưa hình dung khi mình tiến vào lại có tổng thống Dương Văn Minh và nội các chờ sẵn, đầu hàng nên khá bất ngờ.
Trong bối cảnh "dầu sôi lửa bỏng", trước tình huống phát sinh ngoài dự kiến, các đồng chí có mặt kịp thời ứng biến, giải quyết rất nhanh và cực kỳ sáng suốt là bắt sống, buộc ông Dương Văn Minh và nội các đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng ngay tại dinh Độc Lập.
Sau đó chúng tôi áp giải ông Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đến Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng trên hệ thống phát thanh cả nước. Mục đích để những nơi chưa được giải phóng thì đồng bào, chiến sĩ, người dân cùng biết để không còn phải đổ xương máu vô nghĩa nữa”- ông Nhu hồi tưởng, và kể tiếp: Do quân ta tiến vào nhanh, đông áp đảo, từ mọi ngả khiến địch hoang mang bỏ chạy nên khi điện ra Đài phát thanh không nối được liên lạc. Vì vậy, quân giải phóng buộc phải áp giải ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.
Lo sợ không an toàn tính mạng, tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu được đi xe của ông ta nhưng quân Giải phóng không chấp thuận, yêu cầu đi bằng xe Jeep. Hàng trên có lái xe, tổng thống Dương Văn Minh rồi đến Phó trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ ngoài cùng bên phải. Hàng sau có Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ngồi giữa, tôi - Đại đội trưởng trinh sát Nguyễn Khắc Nhu ngồi ngoài cùng bên trái, trợ lý chính trị Phùng Bá Đang bên phải. Đứng bám ở bậc xe bên phải là ông Nguyễn Huy Hùng, bám bên trái là ông Bàng Nguyên Thất.
Xe Jeep chạy phía trước, phía sau có 2 xe chở bộ binh đi bảo vệ. Chúng tôi bố trí vị trí ngồi trên xe như thế là có ý đồ, mục đích cao nhất vẫn là sẵn sàng lấy thân mình bảo vệ tuyệt đối an toàn cho ông Minh và ông Mẫu trên đường đến Đài phát thanh.
“Khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn xong, mọi người mừng rơi nước mắt trước giây phút thiêng liêng ấy, bởi những người lính chúng tôi biết từ đây đất nước sẽ hòa bình, non sông về một dải, trăm họ hết đau thương, chia ly, mất mát vì chiến tranh - ông Nhu bồi hồi xúc động, cho biết tiếp: “Sau đó chúng tôi tiếp tục áp giải ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu về dinh Độc Lập và bàn giao cho cấp trên. Đến buổi chiều cùng ngày, khi nhiệm vụ đã hoàn thành, tôi mới có đủ thời gian để cảm nhận và vô cùng hạnh phúc, sung sướng khi nước nhà đã thống nhất. Niền vui ấy cứ cuộn cuộn trào dâng”.
Tại bối cảnh Sài Gòn được giải phóng, người dân nội thành có thái độ ra sao? Ông Nhu cười tươi, hạnh phúc bày tỏ: “Trước đó người dân Sài Gòn bị nhồi nhét tâm lý bộ đội vào là tàn ác, là trả thù nên rất hoang mang. Nhưng khi quân Giải phóng tiền vào bằng da bằng thịt, lại rất gần gũi, thân thiện nên dân chúng phấn khởi, ùa ra hai bên đường cầm cờ, hoa vẫy chào đón tiếp.
Cụ thể, đoàn của chúng tôi vì không biết đường vào Dinh Độc Lập nên phải dừng lại hỏi đường tại ngã tư Hàng Xanh, đã được một người dân cầm theo cờ giải phóng nhiệt tình xung phong dẫn đường nên đến được mục tiêu rất sớm. Chứng kiến thái độ mừng vui của nhân dân, chúng tôi trào dâng khí thế, cảm thấy sung sướng, vinh dự lắm. Có thể nói bằng lòng yêu nước của mình, người dân Sài Gòn khi ấy thông qua nhiều cách thức khác nhau đã hỗ trợ, giúp đỡ quân Giải phóng được nhanh chóng vào thành. Bên cạnh đó, họ còn kêu gọi, vận động người thân đang là lính chế độ cũ không manh động, chống đối, tạo điều kiện tốt cho quân Giải phóng tiếp quản chính quyền trong an ninh trật tự”.
Được biết năm 1967, khi đang làm nhân viên Bưu Điện ở Hà Nội thì ông Nhu lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được đưa vào chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) làm công tác trinh sát tại Trung Đoàn 66.
Có nền tảng về kiến thức, lại chịu khó học hỏi nên ông hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đến năm 1973, ông được đơn vị chọn lựa ra Hà Nội báo cáo điển hình về thành tích bắt tù binh và đào công sự vững chắc. Lính trinh sát luôn đi đầu, thọc sâu vào địa bàn của địch để nắm tình hình, địa hình và vẽ sa bàn nên không tránh khỏi hiểm nguy và ông đã bị thương tích trong một trận chiến đấu...
Sau giải phóng, do thương tật trong chiến trường, cùng với căn bệnh sốt rét rừng hành hạ nên sức khỏe của ông Nhu ngày càng giảm sút, vào năm 1976 sau khi đất nước đã hòa bình, người Đại đội trưởng trinh sát Trung đoàn 66 đã xin ra quân. Sau đó, ông đã góp công xây dựng đất nước bằng công việc của một cán bộ tại Sở Công nghiệp Đồng Nai cho đến ngày nghỉ hưu và hiện đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh.
Khép lại câu chuyện với chúng tôi, ông Nhu chia sẻ: “Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, ký ức cùng chỉ huy và đồng đội bắt sống và buộc ông Dương Văn Minh, cùng nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện quân cách mạng, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước là một phần ký ức rất thiêng liêng, mãi bền vững cùng thời gian”.