Hồi ức không phai

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức của những người lính đã dành trọn tuổi xuân, sống và chiến đấu trên mảnh đất Cao Bằng, bảo vệ biên cương Tổ quốc không bao giờ phai. Có dịp trở lại thăm Cao Bằng, những người lính, giờ là cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn cận vệ 246 tỉnh Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên) trở lại thăm Hà Quảng, mảnh đất cội nguồn cách mạng, tri ân, tưởng nhớ, gặp gỡ những người đồng chí, đồng đội.

Trở về với kỷ niệm

Chuyến đi quy tụ gần 50 CCB, phần đông ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại tỉnh Cao Bằng (từ năm 1978 - 1982). Người “trẻ” nhất cũng gần 70 tuổi, gương mặt in đậm dấu ấn năm tháng, mái tóc đã phai màu nhưng phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát, tươi vui của người lính dường như vẫn còn. Họ gặp đồng đội xưa, ở nơi cũ, nghe rưng rức nỗi nhớ không thể gọi tên.

Nhà báo, CCB Phạm Văn Chức (trước là lính trinh sát), Trưởng Ban liên lạc, Trưởng đoàn công tác trong chuyến hành trình về “thăm lại chiến trường xưa” bồi hồi xúc động: Lần này trở lại Cao Bằng, trong đoàn có những CCB sau khi rời xa quân ngũ rất lâu nay mới là lần đầu tiên quay trở lại Hà Quảng. Tuổi trẻ của chúng tôi là những ngày hành quân, ăn và ngủ tại mảnh đất Cao Bằng, cụ thể là huyện Hà Quảng. Lần trở về này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt bởi tuổi xuân của hầu hết các thành viên trong đoàn đều là gắn bó với mảnh đất Cao Bằng. Được về lại nơi đây chúng tôi đều có chung cảm giác như trở về quê hương thứ hai của mình.

Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn cận vệ 246 các tỉnh Hải Hưng chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Anh hùng Liệt sĩ Kim Đồng.

Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn cận vệ 246 các tỉnh Hải Hưng chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Anh hùng Liệt sĩ Kim Đồng.

Thực hiện quyết định củng cố lực lượng cảnh vệ của Bộ Tổng tư lệnh, tối 30/6/1948, tại cánh rừng thuộc thôn Văn Minh, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ (nay là thôn Đoàn Kết, xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), lễ thành lập Trung đoàn 15 (tiền thân của Trung đoàn bộ binh 246) đã diễn ra giản dị và trang nghiêm. Trung đoàn ra đời với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và vẻ vang là bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan của Chính phủ trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Ngày 24/10/1949, Trung đoàn 15 được đổi tên thành Trung đoàn 246 với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phối hợp bảo vệ nơi làm việc của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân và nắm vững, giúp đỡ các địa phương phát triển dân quân du kích trong khu căn cứ.

Đầu năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc của Tổ quốc có những diễn biến phức tạp. Ngày 22/4/1978 tại doanh trại Trung đoàn 246, Bộ Tổng Tham mưu đã công bố Quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh 346. Từ đó Trung đoàn vinh dự được biên chế trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn Bộ binh 346 (với tên gọi Đoàn Lam Sơn). Sau này thuộc Quân đoàn 8 (mật danh là Quân đoàn 26, Tên gọi là Binh đoàn Pác Bó) thuộc Mặt trận Cao Bằng. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu về điều chỉnh vị trí đóng quân, cuối năm 1978, Sư đoàn 346 cơ động từ Hà Tuyên về Cao Bằng với nhiệm vụ cùng với lực lượng vũ trang địa phương xác định các khu vực phòng thủ sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.

Mười năm làm nhiệm vụ trên tuyến đầu biên giới (từ 1979 đến 1988), Sư đoàn 346 được giao nhiệm vụ xây dựng thế trận phòng thủ trên địa bàn 3 huyện Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh.

Góp nhặt hồi ức trên mỗi hành trình

Trên con đường rải nhựa bằng phẳng dẫn đến trung tâm huyện Hà Quảng, các CCB trên xe rôm rả kể cho nhau nghe những địa danh, dấu mốc nơi mình từng sống và chiến đấu. Lặng mình giữa những câu chuyện vui là những kỷ niệm buồn chẳng thể nào quên. Từ Nà Sác, Đào Ngạn đến Phù Ngọc; những nơi thân quen như cầu Nặm Thoong, chợ Nà Giàng, ngã tư Đôn Chương đến hang Bản Giới, xóm Hòa Mục… đâu đâu cũng thấy đầy ắp kỷ niệm của những người lính. Họ đã sống gắn bó với nhân dân, trải qua gian khổ với nhân dân.

Sống và chiến đấu tại mảnh đất Hà Quảng, tình quân dân thắm thiết còn được ghi dấu qua câu chuyện rất đỗi thân tình của nhà báo, CCB Phạm Văn Chức. Trong thời kỳ ở Hà Quảng đồng chí Chức được gia đình bà Hoàng Thị Mến, bản Nà Rẳc, xã Ngọc Đào giúp đỡ. Khi chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt, bà Mến cùng với con gái lớn là Hoàng Thị Nga, mới sinh được 2 tháng di tản xuống Hà Nội và ở tại gia đình của đồng chí Chức. Với tình cảm thắm thiết, coi nhau như người thân trong gia đình mặc dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng bằng tất cả tình thân, sự sẻ chia cả hai gia đình đều giúp đỡ lẫn nhau và coi nhau như người thân.

Cựu chiến binh Chử Quang Long và bà Phạm Thị Ẩm chụp ảnh lưu niệm, ôn lại kỷ niệm.

Cựu chiến binh Chử Quang Long và bà Phạm Thị Ẩm chụp ảnh lưu niệm, ôn lại kỷ niệm.

Địa điểm xóm Hòa Mục ghi dấu ấn đậm sâu với mỗi thành viên Đoàn CCB Trung đoàn cận vệ 246 bởi những cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ của rất nhiều CCB với thân nhân gia đình nơi đây trong chiến tranh đã giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ. CCB Chử Quang Long không khỏi vui mừng, xúc động khi gặp được gặp mẹ nuôi Phạm Thị Ẩm (87 tuổi). CCB Chử Quang Long xúc động chia sẻ: Năm 1978, đơn vị tôi được phân công đóng quân tại Hà Quảng, tôi khi đó được giao nhiệm vụ cùng các đồng chí khác giúp người dân xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống, mẹ Ẩm khi đó giúp tôi rất nhiều. Trở lại Cao Bằng lần này, tôi thật may mắn khi được gặp lại mẹ, được ôm mẹ và vẫn còn được mẹ nắm tay, hỏi thăm, kể chuyện…

Trở về thăm lại chiến trường xưa, các CCB Trung đoàn cận vệ 246 khu vực Hải Hưng ngoài tham quan, thăm lại các địa điểm lịch sử, thăm lại chiến trường xưa còn có những hoạt động ý nghĩa nhằm chia sẻ khó khăn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Quảng. Ban liên lạc CCB Trung đoàn cận vệ 246 trao 15 triệu đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện Hà Quảng. Tặng 140 suất quà trị giá 500 nghìn đồng và 10 kg gạo/suất cho các hộ đặc biệt khó khăn tại thị trấn Xuân Hòa, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà và các xã: Hồng Sỹ, Nội Thôn, Thượng Thôn. Trao tặng trên 60 triệu đồng, 200 bộ quần áo cho học sinh các trường mầm non, tiểu học và THCS bán trú các xã: Thượng Thôn, Sóc Hà, Trường Hà, Nội Thôn. Tặng 50 áo phông cho thanh niên phục vụ hoạt động cộng đồng cho Hội Liên hiệp Thanh niên huyện. Tặng 10 cây vải thiều Hải Dương, 10 cây nhãn lồng Hưng Yên trồng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hà Quảng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang.

Hội ngộ rồi chia tay, lưu luyến xen lẫn bùi ngùi. Mỗi giờ phút của cuộc hành trình đều rất trang trọng, quý giá. Thời gian trôi qua nhanh đến mức chẳng ai nỡ rời đi. Với các CCB, đây không chỉ là chuyến hành trình về thăm lại chiến trường xưa, trở về thăm lại người thân, thăm quê hương thứ hai mà còn là chuyến đi nối dài, trải rộng ký ức đẹp đẽ về tình đồng chí, đồng đội, tình yêu quê hương, đất nước. Chính họ, những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” kiên cường, bất khuất, từng làm nên chiến thắng lịch sử ngày trước, giờ tiếp tục giữ lửa truyền thống, là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau.

Thủy Tiên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoi-uc-khong-phai-3170709.html