Hồi Ức Thép - Tiếp lửa tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ qua chương trình tri ân những người lính

Mới đây, chương trình giao lưu 'Hồi Ức Thép' đã diễn ra trong không khí sôi nổi, xúc động và đầy tự hào tại hội trường tầng 8, nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. 'Hồi Ức Thép' là dịp để tri ân những người lính đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhằm hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), đồng thời khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm với quê hương, đất nước của thế hệ trẻ.

Hưởng ứng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, sự trân trọng và biết ơn đối với công lao của những chiến sĩ cách mạng đã hi sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, nhóm sinh viên ngành Quan hệ công chúng đã quyết định tổ chức Chương trình “Hồi Ức Thép”.

Chia sẻ từ BTC chương trình: “Chương trình là cơ hội để thế hệ trước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Cựu chiến binh – những người đã cống hiến, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Bên cạnh đó, “Hồi Ức Thép” còn mang sứ mệnh truyền cảm hứng và bài học lịch sử đến thế hệ trẻ. Qua những câu chuyện, ký ức được chia sẻ, các bạn trẻ có cơ hội hiểu hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc, từ đó khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm với đất nước trong tương lai. Cuối cùng, hơn cả một chương trình tri ân, “Hồi Ức Thép” là lời nhắc nhở về ý chí kiên cường, tinh thần vượt khó, những phẩm chất cần thiết để mỗi người đối mặt với thử thách trong cuộc sống hiện đại. Đây cũng chính là giá trị mà Ban tổ chức muốn lan tỏa, để mỗi người tham dự đều mang theo tinh thần thép trong hành trình của mình.”

Chương trình vinh dự được đón nhiều khách mời đặc biệt. Bác Phạm Quốc Bảo – Luật sư, cựu chiến binh, từng chiến đấu trong các chiến trường khốc liệt Bình Định, Quảng Ngãi, giữ nhiều vị trí quan trọng như Vụ trưởng Vụ Đối ngoại - Văn phòng Quốc hội và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Bulgaria, kiêm nhiệm Bắc Macedonia. PGS.TS Phạm Công Nhất, PGS.TS Trần Văn Hải là Chủ tịch và Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ trái sang phải: Thầy Phạm Công Nhất, Bác Phạm Quốc Bảo và Thầy Trần Văn Hải.

Từ trái sang phải: Thầy Phạm Công Nhất, Bác Phạm Quốc Bảo và Thầy Trần Văn Hải.

Câu chuyện chạm tới trái tim của những người lính xưa

Với thông điệp muốn gửi gắm “Dấu chân đi qua, tự hào còn mãi”, tại chương trình, các bác cựu chiến binh đã chia sẻ lại những kỷ niệm chiến trường, ký ức về một thời đạn lửa và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của người lính bộ đội Cụ Hồ trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc.

Bên cạnh đó, chương trình còn mang đến nhiều tiết mục giao lưu văn nghệ đặc sắc đến từ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và từ khán giả. Những giai điệu hào hùng đã góp phần tạo không khí sôi động, gắn kết và khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong trái tim của mỗi người tham dự.

Tiết mục “Người chiến sĩ ấy”, “Hát mãi khúc quân hành” đến từ La Minh Hiếu và Đặng Hoàng Minh Đức - Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Tiết mục “Người chiến sĩ ấy”, “Hát mãi khúc quân hành” đến từ La Minh Hiếu và Đặng Hoàng Minh Đức - Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Tiết mục giao lưu “Lá cờ” đến từ khán giả.

Tiết mục giao lưu “Lá cờ” đến từ khán giả.

Khoảnh khắc “truyền lửa” – Gửi gắm tình yêu Tổ quốc cho thế hệ sau

Điểm nhấn của chương trình là hoạt động “Truyền lửa”, khi các cựu chiến binh trao cờ cho thế hệ trẻ. Đây là hành động thể hiện sự tiếp nối và truyền lại tinh thần cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ tương lai. Ngọn lửa ấy là biểu tượng cho ý chí kiên cường của những người đi trước, đồng thời là lời nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử quý báu của dân tộc.

Khoảnh khắc trao cờ “truyền lửa”.

Khoảnh khắc trao cờ “truyền lửa”.

Chương trình khép lại bằng màn đồng ca đầy cảm xúc với bài hát “Việt Nam trong tôi là”, vang lên từ các cựu chiến binh và toàn thể khán giả trong hội trường. Cùng giương cao ngọn cờ tổ quốc và thắp sáng ngọn nến trên tay, cả hội trường như hòa chung một nhịp đập, ánh sáng ấy không chỉ thắp lên lòng biết ơn, mà còn truyền tải thông điệp về sự tiếp nối: Dấu chân đi qua, tự hào còn mãi, thế hệ sau sẽ giữ vững và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc.

Cả hội trường xúc động hát vang khúc ca tự hào.

Cả hội trường xúc động hát vang khúc ca tự hào.

Chia sẻ về cảm nhận khi tham gia chương trình “Hồi Ức Thép”, bạn Diệp Ánh Tuyết chia sẻ: “Mình cảm thấy đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa, mình rất xúc động khi lắng nghe các bác cựu chiến binh chia sẻ về những câu chuyện thời chiến, tinh thần đùm bọc lẫn nhau của dân và quân ta. Qua đây mình cảm thấy thấu hiểu và tự hào hơn về một thời anh hùng của ông cha, từ đó thêm yêu đất nước, tự hào, biết ơn và có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống”.

Ban tổ chức chụp ảnh cùng các khách mời.

Ban tổ chức chụp ảnh cùng các khách mời.

"Hồi Ức Thép" không chỉ là dịp để ôn lại ký ức hào hùng của dân tộc mà còn khơi dậy lòng yêu nước và nhắc nhở thế hệ trẻ về trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục bảo vệ nền hòa bình và phát triển đất nước trong thời đại ngày nay,

Thảo Vân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hoi-uc-thep-tiep-lua-tinh-than-tu-hao-dan-toc-cho-the-he-tre-qua-chuong-trinh-tri-an-nhung-nguoi-linh-post1700970.tpo