Hồi ức về tháng Tư lịch sử
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tháng ngày thanh xuân, vào sinh ra tử vì độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn luôn in đậm trong tâm trí của những người lính năm xưa. Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chúng tôi may mắn được gặp những nhân chứng lịch sử, xin giới thiệu với bạn đọc về ký ức hào hùng của những cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam vào những ngày tháng Tư lịch sử.
Tình yêu, ước mơ và khí phách người lính qua trang nhật ký
“Với mỗi người lính khi tham gia chiến đấu luôn ở tâm thế sẵn sàng hy sinh, vì vậy cuốn nhật ký như người bạn để gửi gắm tâm sự, nỗi nhớ nhà và những ước mơ khi đất nước giải phóng sẽ thực hiện” - đó là chia sẻ của cựu chiến binh Tạ Nguyên Hùng ở thôn Tổng Sâu, xã Cao Kỳ (Chợ Mới).
Cuốn nhật ký được ông Hùng ghi lại những tháng ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Đầu năm 1971, ông Hùng nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Qua đợt huấn luyện tại Ba Vì, ông hành quân vào Tây Nguyên thuộc Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 198 Tây Nguyên. Mở đầu trang nhật ký là những lời dặn dò đầy yêu thương của bố mẹ được ông Hùng trích ghi lại như một lời nhắc nhở. “Con phải luôn suy nghĩ, rèn luyện tư tưởng, tác phong nhanh nhẹn, tập trung tư tưởng ra sức cống hiến cho cách mạng”…, “Phải bảo toàn thân thể để phục vụ cách mạng nhiều hơn, phải anh dũng vươn lên”. “Sống làm người thì phải có lập trường tư tưởng chính trị. Sống không có lập trường tư tưởng chính trị coi như đã mất hồn rồi”…
Trên đường hành quân chiến đấu gian nan, mong ước về một cuộc sống hòa bình lại càng mãnh liệt “Một ngày không xa, con sẽ được gần gũi bố mẹ hơn khi đất nước thanh bình tươi đẹp. Khi ông mặt trời bừng đỏ trên đỉnh núi, con sẽ cùng bố mẹ và gia đình chung xới một bát cơm, chung lên một thang gỗ, chung nhau nhìn ngắm cảnh đẹp của núi rừng, cùng nhau xây dựng một tương lai tươi đẹp…”.
Cuốn nhật ký dài hơn 200 trang, không chỉ ghi lại tình yêu, nỗi nhớ gia đình mà còn cập nhật những ngày chiến đấu trực diện với quân địch. Chiều 28/4/1975, “4h chiều ngày hôm qua, Đoàn 198 gùi nặng trĩu trên vai lên đường. Thế là bước đầu tiên của cuộc chiến đấu đã bắt đầu… Trăng sáng khi mờ khi tỏ, đội hình E im lặng tiến dần vào phá địch như một con rắn khổng lồ. Đi trong tầm pháo khúc nguy hiểm. ĐKB (loại pháo phản lực-PV) của ta cũng nện dồn dập vào cứ điểm Đồng Dù… Máy bay qua lại ầm ĩ. Cả đơn vị mỗi người nằm lăn trên bãi cỏ núp xuống và dùng cỏ phủ lên trên cho đỡ nắng. Bi đông nước lã chua loét mình đã uống hết từ lâu. Cơn khát đến tưởng có thể chết khô đi được…
Một số trang trong cuốn nhật ký của ông Tạ Nguyên Hùng.
Hóc Môn, 13h 30/4/1975 “Thế là cuộc chạm súng đầu tiên trong đời đã qua… Tụi mình hành quân từ 6 giờ tối 28, vượt qua những sông ngòi mương rạch. Người và vũ khí đều ướt sũng…Sáng sớm địch báo động lớn, pháo nã liên hồi, máy bay lên thẳng đèn đỏ nhấp nháy đầy trời…Được lệnh của Đại đội, mình dẫn tổ lên chiếm giữ vị trí tổ 1. Mình rất bình tĩnh. Lúc này mình xác định, một là sống, hai là chết… Nhiệm vụ của tổ là chốt giữ mặt đường không cho địch tiếp viện hoặc thoát lui để chờ tăng ta tiến đến tiếp viện mới xông lên diệt địch trong thành… Cuộc chiến thế là kết thúc, tụi Ngụy trong điểm cũng không dám ngo ngoe gì. Bộ đội cứ ào ào trên đường…”.
3h30 chiều 30/4/1975 “Lúc này mình mới chính thức được biết chính xác tin Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Mình không nghĩ được gì chỉ biết thở ra nhẹ nhõm”.
Tự hào là người lính xe tăng
Chúng tôi có dịp được gặp cựu chiến binh Phạm Trắc Tỷ ở tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn) vào một chiều giữa tháng 4. Mặc dù đã gần 80 tuổi, trải qua lần tai biến, nhưng ông vẫn nhớ như in về những ngày kháng chiến hào hùng: Đầu năm 1970, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Hàng Hải (Hải Phòng), ông lên đường nhập ngũ về Trường lái xe xích tại Vĩnh Phúc. Đến cuối năm, ông nhận lệnh vào chiến trường B2. Hành quân qua đường Hồ Chí Minh vào miền Đông Nam Bộ mất một tháng rưỡi ngày nghỉ đêm hành quân. Khi ấy ông là Trung đội phó, Đại đội 6, Tiểu đoàn 20 thuộc Đoàn M26 Tăng Thiết giáp.
Vợ chồng ông Tỷ cùng xem lại những tài liệu khi ông Tỷ trong quân ngũ.
Ông Phạm Trắc Tỷ hào hứng kể: Ngày 29/4/1975 khi đang ở Trảng Bom (Đồng Nai), đơn vị của ông nhận nhiệm vụ đánh đến đâu chốt đến đấy. Sau đó, tiếp tục hành quân đánh vào Sài Gòn. Lúc đó gặp phải pháo mặt đất của địch bắn thẳng thiệt hại mất một chiếc xe tăng của quân mình. Khi chiến đấu không ai sợ hãi, xông thẳng vào chiến đấu bởi mình không đánh thì mình chết và ý chí độc lập, tự do của Tổ quốc mạnh mẽ lắm.
Đến hơn 11h ngày 30/4/1975, đơn vị của ông hành quân tiến đánh đến Sài Gòn, từ Quận 1 đến Bến cảng Nhà Rồng, những chiếc loa phóng thanh ở Sài Gòn đồng loạt vang lên lời tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng do Tổng thống Dương Văn Minh đọc. Khó diễn tả về cảm xúc lúc đó, vui mừng, hạnh phúc rơi nước mắt, bởi cái ngày mong chờ cuối cùng đã đến. Sau đó, xe tăng mang số hiệu 336 do ông lái, tiến vào gần Dinh Độc Lập, cảm xúc một lần nữa trỗi dậy khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc nhà trung tâm tổng hành dinh của địch, đồng đội quên cả những vết thương trên người, mặt lấm lem ôm nhau reo hò hân hoan trong niềm vui chiến thắng của đất nước.
Năm 2015, có dịp trở lại thăm chiến trường xưa, chiếc xe tăng ông lái ngày đó vẫn đang được đơn vị mới bảo quản, sử dụng sẵn sàng chiến đấu. Nhiều kỷ vật cùng ông tham gia chiến đấu những tháng năm ấy như bình toong, võng được ông tặng lại cho Bảo tàng lực lượng Tăng Thiết giáp.
49 mùa xuân đã đi qua, đất nước đang chuyển mình cùng vận hội mới, nhưng sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của những lớp người trực tiếp tham gia chiến đấu sẽ đời đời được lịch sử khắc tên. Tháng Tư lịch sử, cùng những cựu chiến binh ôn lại ký ức hào hùng năm xưa như một lần nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình, biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/hoi-uc-ve-thang-tu-lich-su-post63115.html