Hội viên đi đầu trong phong trào 'Tuổi cao - gương sáng'

Kiên cường, dũng cảm trong chiến tranh, để lại một phần cơ thể trên chiến trường, trải qua nhiều đau thương, mất mát nhưng khi trở về quê hương, ông đã vượt lên hoàn cảnh, vượt qua thương tật, mạnh dạn, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Đó là thương binh hạng 4/4 Phạm Văn Thuật, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cựu chiến binh (CCB) tỉnh, hội viên NCT xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình).

Ông Phạm Văn Thuật hướng dẫn người lao động chăm sóc cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Phạm Văn Thuật hướng dẫn người lao động chăm sóc cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Vừa tròn 18 tuổi, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, năm 1976, Phạm Văn Thuật viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Là chiến sỹ D1710 Cục Quân khí, trong quá trình phục vụ chiến đấu tại chiến trường Tây Nam, ông bị thương, được công nhận là thương binh hạng 4/4, bệnh binh mất 65% sức khỏe. Sau khi bị thương, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội, đến năm 2003 về nghỉ theo chế độ của Nhà nước.

27 năm phục vụ trong quân ngũ đã tôi luyện cho ông ý chí sắt đá, sự bền bỉ, kiên nhẫn, năng động, sáng tạo để phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường. Ban đầu, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, với 5 triệu đồng dành dụm, tích cóp, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để thành lập Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh tại thị trấn Mường Khến (Tân Lạc).

Ông Thuật chia sẻ: Khi mới thành lập, do chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn ít nên hoạt động của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, công việc bấp bênh, thu nhập của người lao động không ổn định. Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: "Chúng ta phải biết tôn trọng chữ tín bởi nó là nền tảng, hành vi đạo đức từ xưa đến nay”, ông đã nỗ lực hết mình để xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của mọi người. Với uy tín và sự năng động, nhạy bén, doanh nghiệp của ông không chỉ được chủ đầu tư giao cho xây dựng các công trình xây dựng dân dụng, thủy lợi, giao thông, mà hoạt động SX-KD ngày càng mở rộng, phát triển.

Không dừng lại trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, ông mạnh dạn xây dựng trang trại với quy mô 100 con lợn nái, 1.000 con lợn thịt, duy trì hoạt động của cửa hàng vật liệu xây dựng. Đặc biệt, qua khảo sát, tìm hiểu, ông cùng các con quyết định đầu tư 200 lồng cá trên vùng hồ Hòa Bình. Quá trình nuôi cá lồng, doanh nghiệp Cường Thịnh đã áp dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Trong đó tập trung nuôi các loại cá sông Đà đã có thương hiệu như: chiên, lăng, tầm, trắm đen, bỗng... cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, có chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động địa phương, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Với kết quả và thành tích đã đạt được, năm 2017, CCB, hội viên Hội NCT Phạm Văn Thuật là một trong những đại biểu của tỉnh tham gia hội nghị tuyên dương doanh nghiệp điển hình, tiên tiến toàn quốc. Năm 2018, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp CCB tỉnh. Đặc biệt, với cương vị và uy tín của mình, từ năm 2014 đến nay, ông đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí để góp phần tìm kiếm, đưa được 58 hài cốt liệt sỹ ở các tỉnh phía Nam về an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Bùi Đức

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/141717/hoi-vien-di-dau-tr111ng-ph111ng-trao-tuoi-cao-guong-sang.htm