Hồi Xuân – nơi 'hồi sinh' mạch nguồn văn hóa Mường, Thái

Trong nhịp sống hiện đại đang cuồn cuộn lan về vùng cao, nơi lưng đèo gió lộng, nơi những nếp nhà sàn vẫn bình yên nép mình bên triền núi, xã Hồi Xuân (tỉnh Thanh Hóa) vẫn là một điểm sáng đặc biệt khi gìn giữ nguyên vẹn nhiều lớp lang văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, Mường.

Những làn điệu khặp, xường, tiếng chiêng, tiếng khua luống, tiếng tung còn giữa hội xuân… như vẫn không ngừng thổn thức, ngân lên cùng tiếng lòng người Hồi Xuân hôm nay vừa tha thiết, vừa kiêu hãnh với cội nguồn của mình.

Những nếp văn hóa không ngủ yên trong ký ức

Vào một buổi sớm tinh sương, khi mây còn vắt ngang lưng núi và sương chưa tan khỏi lá rừng, chúng tôi men theo con đường nhỏ uốn quanh dòng sông Mã để về với Hồi Xuân.

Cảnh vật nơi đây đón khách lạ bằng vẻ mộc mạc, nguyên sơ. Cánh đồng lúa óng ả đang vào kỳ ngậm sữa, ruộng bậc thang xếp lớp như những nếp vải thổ cẩm.

Trong làn gió nhẹ, tiếng gà gáy, tiếng trẻ nhỏ í ới nô đùa, tiếng khua luống từ nhà văn hóa vọng ra, hòa lẫn với mùi thơm ngai ngái của khói bếp nhà sàn, tất cả như một bản hợp xướng của núi rừng, của đời sống thanh bình và đậm đà bản sắc.

Người dân xã Hồi Xuân (Thanh Hóa) hào hứng tham gia trò chơi khua luống truyền thống trong khuôn khổ lễ hội Mường Ca Da

Người dân xã Hồi Xuân (Thanh Hóa) hào hứng tham gia trò chơi khua luống truyền thống trong khuôn khổ lễ hội Mường Ca Da

Hồi Xuân hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới: điện sáng đến từng bản, đường bê tông đã nối dài tới nhiều hộ dân, trường lớp khang trang, đời sống kinh tế từng bước khởi sắc.

Nhưng giữa những đổi thay ấy, điều khiến Hồi Xuân trở nên khác biệt chính là sự bền bỉ trong giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Tại một nếp nhà sàn truyền thống giữa lòng xã Hồi Xuân, hình ảnh người phụ nữ cần mẫn bên khung cửi dệt thổ cẩm, vừa lao động, vừa ngân nga điệu hát truyền thống, gợi lại nét đẹp văn hóa vẫn hiện diện bình dị, miệng khe khẽ hát xường, những câu hát trầm bổng như dòng nước suối nguồn, đưa người nghe về với thời thanh xuân tươi đẹp, nơi câu hát là lời thương, lời hẹn, là sợi dây nối kết tình yêu và nghĩa tình xóm bản.

Không chỉ có hát xường của người Mường, người Thái ở Hồi Xuân cũng gìn giữ điệu khặp cổ, loại hình hát giao duyên truyền khẩu mang đậm chất tự sự và triết lý sống của dân tộc mình.

Vào những đêm hội, khi ánh lửa bập bùng giữa sân bản, người già hát chuyện xưa, trai gái trao gửi tình yêu bằng lời khặp, trẻ nhỏ chăm chú lắng nghe như nuốt từng câu chữ. Văn hóa không chỉ được bảo tồn, mà còn được sống lại, được kế thừa tự nhiên qua từng thế hệ.

Mỗi mùa lễ hội, Hồi Xuân lại rộn ràng với sắc màu váy áo, với những màn múa xòe, múa sạp, những trò chơi dân gian như tung còn, kéo co, ném pao, bắn nỏ. Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nỏ kéo vang lên giữa núi rừng, như tiếng vọng từ ngàn xưa, từ hồn cốt của dân tộc.

Càng đặc biệt hơn khi người trẻ nơi đây không hề quay lưng với những giá trị ấy. Các trường học thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề văn hóa dân tộc; thanh niên, thiếu nhi tích cực tham gia các đội múa, đội văn nghệ bản.

Em L.T.H – học sinh lớp 11, cười rạng rỡ khi kể về buổi biểu diễn của lớp: “Em được chọn múa điệu xòe trong dịp Lễ hội Mường Ca Da, cảm giác rất tự hào. Tụi em còn học cả tiếng Mường để hát xường, để hiểu ý nghĩa các nghi lễ cúng cơm mới, lễ cưới truyền thống…”.

Giữa vòng xoáy của lối sống hiện đại, sự bền bỉ ấy không tự nhiên mà có. Nó là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Hồi Xuân. Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Văn hóa là gốc rễ. Xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, nâng cao đời sống, tất cả đều phải lấy văn hóa làm nền. Chúng tôi luôn quan tâm lồng ghép bảo tồn văn hóa trong các phong trào thi đua và chính sách phát triển địa phương”.

Đến nay, toàn xã có 18/20 bản, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa; hơn 77% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Tại các bản, quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn minh đã trở thành "luật làng mới", góp phần thay đổi nhận thức, lối sống, nhất là trong các việc cưới, việc tang, mừng thọ, tổ chức lễ hội. Những hủ tục dần lùi xa, thay thế bằng phong tục đẹp, giản dị, tiết kiệm, giàu bản sắc dân tộc.

Từ di sản văn hóa đến tài nguyên phát triển

Hồi Xuân không chỉ là vùng đất lưu giữ những nét văn hóa sống động, mà còn là mảnh đất “thiêng”, nơi ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử – tâm linh. Trong đó, nổi bật nhất là vùng đất Mường Ca Da, nơi gắn với tên tuổi Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban, người có công lớn trong việc khai phá, bảo vệ và gìn giữ vùng đất Mường cổ.

Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Mường Ca Da – một trong những nghi thức truyền thống thiêng liêng, tái hiện đời sống tâm linh đặc sắc của đồng bào Thái ở Hồi Xuân

Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Mường Ca Da – một trong những nghi thức truyền thống thiêng liêng, tái hiện đời sống tâm linh đặc sắc của đồng bào Thái ở Hồi Xuân

Hằng năm, vào dịp đầu xuân, Lễ hội Mường Ca Da được tổ chức long trọng, quy mô, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Đây là dịp hội tụ đủ đầy những giá trị văn hóa đặc sắc nhất: nghi thức rước kiệu, tế lễ tổ tiên, múa xòe đoàn kết, khua luống cầu mùa, tung còn đón lộc… Mỗi một hoạt động lễ hội đều là một mảnh ghép sinh động của đời sống tinh thần, tín ngưỡng và văn hóa dân gian nơi đây.

Không dừng lại ở đó, Hồi Xuân còn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng tuyệt đẹp: hang Lũng Mu kỳ vĩ như tranh vẽ, động Bà linh thiêng, chùa Ông cổ kính giữa núi non, hồ Vinh Quang phẳng lặng, soi bóng mây trời, ruộng bậc thang bản Nghèo đẹp như một bức tranh thủy mặc mùa lúa chín. Những địa điểm ấy vừa mang giá trị văn hóa, vừa là tiềm năng lớn để phát triển du lịch bền vững.

Bia ký, nơi thờ tướng quân Khằm Ban và quần thể hang Lũng Mu hiện đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Đây chính là “viên ngọc quý” đang được địa phương đánh thức, kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tâm linh, trải nghiệm tại miền Tây xứ Thanh.

Hiện xã Hồi Xuân đang phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch tỉnh để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa: trải nghiệm làm cơm lam, nấu rượu cần, dệt thổ cẩm, học múa xòe, xem biểu diễn hát xường, khặp, tham quan hang động, tắm suối, cắm trại giữa rừng. Những hoạt động ấy vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa là cách giữ gìn và lan tỏa văn hóa Mường, Thái đến với du khách gần xa.

Những giá trị đặc sắc của văn hóa Thái, Mường không chỉ được lưu giữ như những "bảo tàng sống" trong các gia đình, các nghệ nhân bản địa, mà còn đang từng bước được xây dựng thành hành trang phát triển kinh tế.

Sự hợp nhất giữa ba yếu tố: văn hóa, du lịch, nông nghiệp đang là bối cảnh lý tưởng để Hồi Xuân định hình một con đường đi bền vững, tránh được cạm bẫy của phát triển ảo, du lịch ngắn hạn.

Địa phương đang bàn bạc về việc hình thành các điểm du lịch cộng đồng có tên tuổi, gắn với những gia đình nghệ nhân, để khách đến không chỉ ngắm nghía mà còn trực tiếp trải nghiệm và tương tác văn hóa.

Người dân Hồi Xuân đang học cách làm du lịch, nhưng không bắt đầu từ "bán văn hóa", mà bắt đầu từ việc hiểu giá trị của chính mình. Đào tạo hướng dẫn viên bản địa, đào tạo kỹ năng du lịch xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường... đã được xã lồng ghép vào các chương trình đào tạo, tuyên truyền, vận động quần chúng.

Từ khung cửi đan thổ cẩm đôi vai bà, từ tiếng chiêng khua giữa hội làng, từ điệu khặp trầm bổng mùa cưới đến nơi bóng đèn điện sáng rực đường làng, Hồi Xuân hôm nay là một biểu tượng của sự gửi gắm cội nguồn trong dòng phát triển mới. Đó là minh chứng rằng: bản sắc văn hóa, nếu được tưới mát, sẽ không bao giờ là thứ bị lãng quên.

Trong đà phát triển của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Miền Tây, Hồi Xuân xứng đáng là một hình mẫu đầy cảm hứng về bài toán bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong thời đại mới.

Và hãy tin rằng, từ những bản làng nho nhỏ, từ điệu hát ngọt ngào, từ những đêm lửa hội xưa, cái đẹp, cái hay sẽ vẫn tiếp tục lan xa, thấm sâu và ở lại trong tim người dân vùng cao và người làm báo như chúng tôi.

NGUYỄN LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/hoi-xuan-noi-hoi-sinh-mach-nguon-van-hoa-muong-thai-156654.html