Hôm nay 29/6, Quốc hội thông qua 3 dự án luật, 1 nghị quyết và họp Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai... và họp Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7.

Dự kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7.

Dự kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7.

Dự kiến, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua luật: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15;

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Sau đó, Quốc hội họp phiên bế mạc.

* Về Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, để các luật sớm có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị sửa đổi thời điểm thi hành một số điều, khoản chuyển tiếp của các luật trên.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (1 luật sửa 4 luật).

Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trên, tại phiên thảo luận ở hội trường, các ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến vào những nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra; cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, tính khả thi của việc sửa đổi hiệu lực thi hành một số điều khoản chuyển tiếp của các luật; tính đồng bộ, thống nhất của các luật và hệ thống pháp luật sau khi điều chỉnh, sửa đổi tính đầy đủ, thuyết phục hồ sơ Tờ trình và báo cáo đánh giá tác động.

Qua thảo luận, các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; ủng hộ việc sớm thi hành các luật nhưng các đại biểu cũng góp ý nhiều ý kiến về tính khả thi, mức độ đáp ứng các điều kiện đảm bảo thi hành luật, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm khẩn trương ban hành và chỉ đạo các Bộ, ngành hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ và lộ trình phù hợp. Rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật.

Nhận diện rõ, đầy đủ các rủi ro, thách thức, hệ quả tiêu cực, có giải pháp kiểm soát, khắc phục và quy định rõ về trách nhiệm liên quan và báo cáo thông tin lại cho các ĐBQH sau ngày luật được thông qua. Không để xảy ra khoảng trống và kẽ hở pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm.

Không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp cũng như cản trở sự phát triển. Không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi và đối tượng chịu tác động môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

* Theo chương trình, sáng mai (29/6), Kỳ họp sẽ tiến hành phiên bế mạc. Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội và được chia làm 2 đợt (đợt 1, từ ngày 20/5-8/6 và đợt 2, từ ngày 17-29/6).

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trong không khí hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thành công tốt đẹp. Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo chương trình nghị sự, tại kỳ họp này, về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) - (theo quy trình tại một kỳ họp).

Đồng thời, tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét thông qua các dự thảo nghị quyết quan trọng, trong đó có: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về: các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023…

Đồng thời, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền.

Theo chương trình, trước khi tiến hành phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15;

Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giảm thuế giá trị gia tăng; thực hiện cải cách tiền lương;...).

Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có phát biểu quan trọng bế mạc Kỳ họp.

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hom-nay-296-quoc-hoi-thong-qua-3-du-an-luat-1-nghi-quyet-va-hop-phien-be-mac-ky-hop-thu-7-276765.html