Không khí bận rộn ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
Từ hôm nay (1/7/2025), 34 tỉnh, thành trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã, sau thời gian chạy thử nghiệm. Đây sẽ là dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính.
10:55
Đà Nẵng: Huy động thêm cán bộ, đoàn viên hỗ trợ người dân
PV Đình Thiệu/VOV cho biết,TP. Đà Nẵng đã cập nhật hơn 2.000 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Sáng 1/7, ngày đầu tiên vận hành chính quyền 2 cấp, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng, lượng người đến làm thủ tục khá đông. Chính quyền địa phương đã bố trí thêm cán bộ hướng dẫn, huy động đoàn viên, thanh niên đến hỗ trợ quá trình lấy số thứ tự cho người dân.

Bà Trương Thị Thanh Vân, trú tại phường Hòa Khánh đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường từ lúc 8h để làm thủ tục sang tên chuyển nhượng đất. Nhờ cán bộ tại đây nhiệt tình hỗ trợ từ lấy số thứ tự, hướng dẫn nhập dữ liệu nên thủ tục diễn ra nhanh chống.
Ghi nhận trong sáng đầu tiên tại các Trung tâm phục vụ hành chính công xã, phường thành phố Đà Nẵng, người dân đến giao dịch, giải quyết các thủ tục hành chính vẫn diễn ra bình thường. Trung tâm phục vụ hành chính công xã, phường phải mở rộng quy mô, bổ sung thêm cán bộ và trang bị thiết bị, ứng dụng công nghệ mới giải quyết được hơn 1.000 nhiệm vụ của cấp huyện chuyển về và các nhiệm vụ cấp xã, phường cũ trước đó.

Tại bộ phận một cửa Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng, trong ngày đầu tiên vận hành chính quyền 2 cấp, các thủ tục hành chính được triển khai thông suốt, ổn định. Người dân muốn giải quyết thủ tục, hồ sơ được hướng dẫn thực hiện theo quy định. Sáng nay, chị Lan Hương, trú phường Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đến để chứng thực giấy tờ đất, chỉ mất vài phút thủ tục của chị được giải quyết, cán bộ hướng dẫn cũng rất nhiệt tình.
10:49
Người dân phấn khởi đi làm thủ tục hành chính
PV Thừa Xuân/VOV - Tây Bắc đưa tin, sáng 1/7, 99 xã, phường của tỉnh Lào Cai mới chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Tại phường Yên Bái, các bộ phận chức năng đã bắt đầu vận hành theo mô hình tổ chức mới nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Dù bước đầu còn không ít khó khăn, đặc biệt là trong việc thay đổi thói quen của một bộ phận cán bộ và người dân, song hầu hết người dân đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi. Bởi với họ, đây không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn là dấu mốc lịch sử, mở ra kỳ vọng về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho bà con từ vùng cao đến vùng thấp.

Phường Yên Bái, tỉnh Lào Cai mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập các phường: Đồng Tâm, Yên Ninh, Minh Tân, Nguyễn Thái Học và Hồng Hà (thuộc tỉnh Yên Bái cũ). Phường có diện tích 16,92 km², với quy mô dân số trên 70 nghìn người.
Hiện trụ sở làm việc và Trung tâm hành chính công của phường Yên Bái đặt tại tổ dân phố số 2, phường Yên Bái, tỉnh Lào Cai (trụ sở HĐND và UBND thành phố Yên Bái cũ – nơi từng là Trung tâm hành chính công trước khi sáp nhập).
10:46
PV Duy Phương/VOV-TP.HCM thông tin, sáng 1/7, các Trung tâm hành chính công cấp phường, xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nại bắt đầu hoạt động.
Tại phường Trấn Biên (nằm ở trung tâm TP Biên Hòa cũ), từ sáng có rất đông người dân tới làm thủ tục. Hầu hết các công việc đều được cán bộ, công chức phường giải quyết thuận lợi, thông suốt. Không khí ngày đầu làm việc phấn khởi, nghiêm túc, khẩn trương

10:43
Tăng cán bộ và quầy ở bộ phận một cửa để giải quyết nhanh thủ tục cho người dân
PV Lê Hải/VOV.VN ghi nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ngay từ sáng sớm, người dân đã tập trung đông đúc để làm giấy tờ, thủ tục.

Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Anh Lê Trọng Hải, trước đây là công chức Tư pháp Hộ tịch của xã Quảng Cư, TP Sầm Sơn, sau khi sáp nhập, hiện anh là công chức Trung tâm phục vụ hành chính công phường Sầm Sơn. Anh Hải cho biết, trước đây, ở phường, bộ phận một cửa chỉ có 4 quầy với 4 cán bộ, nay tại trung tâm có tới 14 quầy với 18 cán bộ để giải quyết cho người dân đến làm thủ tục được thuận tiện và nhanh chóng.
Trước đó, anh Hải đã được cử đi tập huấn về những công việc liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận hồ sơ, trả hồ sơ… Hiện đơn vị vẫn dùng phần mềm cũ nên không khó khăn trong quá trình tiếp cận công việc mới, mọi thứ không bị gián đoạn.

Nơi tiếp đón và giải quyết thủ tục cho người dân khang trang hơn
Chị Phan Thị Nhung, trú tại phường Trường Sơn (cũ), nay là phường Sầm Sơn đến Trung tâm Phục vụ hành chính công từ lúc 8h sáng để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Tôi hết sức ngỡ ngàng khi nơi làm việc mới rộng rãi, khang trang, các anh chị ở Trung tâm rất tận tình hướng dẫn ngay từ ngày đầu hoạt động của phường mới. Cán bộ địa phương mới hầu hết là người địa phương cũ, nên hiểu rõ hoàn cảnh, đặc điểm dân cư; giúp chúng tôi tiếp cận nhanh và xử lý công việc cũng nhanh. Hi vọng trong thời gian tới, khi vận hành bộ máy chính thức, các cán bộ cũng sẽ tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ người dân, đặc biệt là đơn giản hóa trong các thủ tục việc làm giấy tờ, cho bà con đỡ vất vả", chị Nhung chia sẻ.
10:37
HĐND tỉnh Thái Nguyên khai mạc kỳ họp đầu tiên sau hợp nhất
PV Cao Thắng/VOV.VN đưa tin, sáng ngày 1/7, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 họp kỳ đầu tiên sau khi hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn hợp nhất để thành lập tỉnh Thái Nguyên mới.

HĐND tỉnh Thái Nguyên khai mạc kỳ họp đầu tiên sau hợp nhất
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Đăng Bình cho biết, đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy chính quyền, mở ra cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, từ điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kết cấu hạ tầng đến nguồn lực con người, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng để tạo nên một chỉnh thể kinh tế - xã hội hài hòa, năng động, có khả năng thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, mở rộng không gian phát triển, với diện mạo mới và tạo sức bật về tăng trưởng trong các năm tiếp theo.
HĐND tỉnh Thái Nguyên sẽ xem xét 5 nội dung quan trọng:
Thứ nhất, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc thành lập các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên; kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV.
Đây là các nghị quyết nền tảng nhằm ổn định tổ chức bộ máy của cơ quan dân cử, tạo điều kiện thuận lợi để HĐND tỉnh hoạt động hiệu quả, đúng luật, thực hiện tốt vai trò giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Đăng Bình
Thứ hai, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên. Việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là yêu cầu cần thiết, cấp bách sau khi sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Thứ ba, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, quyết định việc tạm giao biên chế cán bộ, công chức của các cơ quan chính quyền; quyết định tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên.
10:03
Chủ tịch Khánh Hòa kêu gọi toàn dân chung sức xây dựng tỉnh mới
PV Thái Bình/VOV-Miền Trung cho biết, sáng 1/7, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam đã có thư kêu gọi gửi đến toàn thể nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, nhân sự kiện tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thư nêu rõ, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn mở ra tầm nhìn và cơ hội phát triển mới cho tỉnh Khánh Hòa.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “Mục tiêu lớn lao này sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự chung sức, đồng lòng của toàn thể đồng bào.” Ông kêu gọi mỗi người dân, cán bộ, doanh nghiệp phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm, đồng thuận vượt qua giai đoạn chuyển tiếp với nhiều thay đổi.
“Với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và bản lĩnh vượt khó lực cội của Nhân dân, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thách thức. Chính quyền tỉnh cam kết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân; triển khai hỗ trợ kịp thời; tăng cường thông tin, đối thoại công khai, minh bạch.” Thư kết thúc bằng lời kêu gọi cùng nhau dựng xây một Khánh Hòa mới – vững vàng, văn minh, hiện đại và thịnh vượng.
Cũng tại Khánh Hòa, ghi nhận trong sớm nay, rất nhiều người dân đến Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Khánh Sơn thực hiện giao dịch. Xã Khánh Sơn là xã miền núi, đa số đồng bào dân tộc Raglay, cách trung tâm tỉnh Khánh Hòa đến 120km về phía Tây Nam.

Cán bộ, công chức, viên chức hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Khánh Sơn
09:52
Đắk Lắk công bố hợp nhất, thành lập các cơ quan tham mưu, giúp việc
PV Nam Trang, Hương Lý/VOV-Tây Nguyên đưa tin, sáng 1/7, trong ngày làm việc đầu tiên sau khi sáp nhập, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị công bố các quyết định hợp nhất, thành lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các Đảng ủy và đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Theo đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk công bố quyết định thành lập Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ông Trần Trung Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được chỉ định làm Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, cùng 11 ủy viên khác.
Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng được thành lập, do ông Nguyễn Quốc Hoàn làm Trưởng Ban. Bà Đinh Thị Thu Thanh được chỉ định làm Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy là ông Nguyễn Thượng Hải. Ông Nguyễn Đình Viên được giao giữ chức Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.
Cùng với đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng công bố thành lập Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh, nhiệm kỳ 2020–2025, do bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Bí thư Đảng ủy. Ông Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh. Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy giữ chức Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh. Thiếu tướng Phan Thanh Tám, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh.
Tỉnh ủy cũng công bố quyết định thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, do ông Y Giang Gry Knơng làm Chủ tịch.
Các quyết định chỉ định Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tại các Đảng bộ trực thuộc cũng được công bố tại hội nghị.
Cùng với các xã, phường trên địa bàn, sáng nay, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk – sau khi sáp nhập với tỉnh Phú Yên, đã chính thức đi vào hoạt động. Ngay đầu giờ làm việc, lãnh đạo các đơn vị đã tổ chức cuộc họp đầu tiên để phân công, phân nhiệm, thống nhất quy trình phối hợp công việc.
Các nội dung trọng tâm như rà soát khối lượng công việc tồn đọng, ưu tiên xử lý những nhiệm vụ cấp bách, tiếp tục hỗ trợ sản xuất, quản lý tài nguyên và môi trường đã được quán triệt, đảm bảo quá trình vận hành diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk mới khẳng định, toàn ngành sẽ phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, duy trì hoạt động ổn định và tập trung thực hiện các chương trình, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh sau sáp nhập.

09:38
Phân công công việc, chức năng nhiệm vụ cho lãnh đạo phường
PV Tiến Dũng/VOV.VN cho biết, sáng 1/7, cùng các phường, xã của tỉnh Bắc Ninh, Đảng ủy phường Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) tổ chức Hội nghị Thường trực Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025- 2030.
Hội nghị đã báo cáo các nội dung xem xét về dự thảo quy chế làm việc Ban chấp hành Đảng ủy Phường Từ Sơn khóa 1. Đồng thời xem xét nghị quyết phân công công việc, chức năng nhiệm vụ cho các nhân sự kiện toàn các phòng, ban, ngành, công chức, viên chức nhân viên của phường.
Hiện, phường Từ Sơn có 61 tổ chức đảng, 2353 đảng viên. Ngày 16/6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1658/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Ninh năm 2025. Theo đó, sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Đông Ngàn, Tân Hồng, Phù Chẩn và Đình Bảng thành phường mới có tên gọi là phường Từ Sơn.

Hội nghị Thường trực Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Ban Chấp hành Đảng bộ phường Từ Sơn
09:32
Đảng ủy xã họp bàn nhiều vấn đề quan trọng
PV Ngọc Hòa/VOV.VN ghi nhận, cùng với cả nước, sáng nay toàn bộ xã, phường mới của tỉnh Hưng Yên bắt đầu bước vào ngày làm việc chính thức đầu tiên theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đảng ủy xã Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành lần thứ nhất để xem xét nhiều nội dung quan trọng, sáng 1/7
Tại xã Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên, Đảng ủy xã đã tổ chức hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành lần thứ nhất để thống nhất, thảo luận quy chế làm việc; kiện toàn, thành lập các Tổ chức Đảng trực thuộc; bàn và cho ý kiến về một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Ngay sau Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành xã đã tiến hành Kỳ họp thứ nhất HĐND phường, nhiệm kỳ 2021-2026 để công bố các Quyết định của HĐND tỉnh; thảo luận, quyết nghị một số nội dung thuộc thẩm quyền với sự tham dự của 124 đại biểu HĐND.

Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hiến Nam, tỉnh Hưng Yên
Tại UBND phường Hiến Nam, tỉnh Hưng Yên, ngay từ sáng rất nhiều người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công của phường để làm các thủ tục giấy tờ cần thiết ngay khi hoạt động chính quyền mới đi vào hoạt động.
09:27
Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công
PV Bá Thăng/VOV.VN cho biết, bắt đầu từ 7h sáng nay 1/7, 130 Trung tâm Phục vụ hành chính công xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Thành Vinh (thành phố Vinh cũ), từ rất sớm hàng chục người dân đã có mặt để bấm, lấy số thứ tự chờ làm thủ tục.

Đông đảo người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Thành Vinh
Ông Thạch Quang Triều đến từ phường Vinh Phú cho biết ông có mặt tại đây từ 6h30 sáng để chờ làm thủ tục tách thửa; sau hơn 1 giờ đồng hồ là xong. Mọi việc ở đây diễn ra diễn ra bình thường, trật tự. Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Thành Vinh được bố trí tại đây là hợp lý. Rộng và thoáng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ là việc chuyên nghiệp, ân cần và nhiệt tình.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Thành Vinh, sáng nay toàn bộ cán bộ, côn chức đều được huy động có mặt đầy đủ tại trung tâm làm việc, phục vụ nhân dân Nhờ làm tốt côn tác chuẩn bị như xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân sự trong tiếp nhận hồ sơ… nên việc vận hành của trung tâm vẫn đảm bảo thông suốt.

Phương tiện của người dân xếp dài bên ngoài Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thành Vinh
Theo ông Vinh, vẫn còn những bỡ ngỡ bước đầu như việc tiếp nhận hồ sơ, trước đây thuộc thẩm quyền của cấp thành phố nhưng giờ là của cấp phường. Trong giao dịch hành chính, các Trung tâm phục vụ Hành chính công phường, xã được giao tiếp nhận hồ sơ từ ngoài địa phương cho nên khi xử lý sẽ có những vướng mắc liên quan đến công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, những bỡ ngỡ vướng mắc này sẽ được giải quyết trong ngắn hạn.
09:20
Chủ tịch Lâm Đồng: "Mong bà con rất chia sẻ, chắc chắn thời gian gần thôi mọi thứ sẽ rất tốt"
PV Tuấn Long-Công Bắc/VOV-Tây Nguyên đưa tin, sáng nay 1/7, 124 xã phường của tỉnh có diện tích lớn nhất nước – tỉnh Lâm Đồng vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp. Gần dân, sát dân, giải quyết nhanh gọn thủ tục giấy tờ cho dân là cảm nhận của đông đảo người dân khi đến các trung tâm hành chính công của các xã phường mới.
7h sáng, hơn 90 cán bộ, lãnh đạo, nhân viên của phường Xuân Trường, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung ở trụ sở mới, chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Phường Xuân Trường mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 xã phường gồm phường 11, xã Xuân Thọ, xã Xuân Trường, xã Trạm Hành.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười kiểm tra tại xã Xuân Trường
Đến làm thủ tục liên quan đến thuế doanh nghiệp, ông Phạm Văn Đạt, ở tổ 10, phường Xuân Trường rất hài lòng với mô hình chính quyền mới gần dân, sát dân và giải quyết công việc, thủ tục nhanh chóng: “Hôm nay tôi làm về thuế, ngày trước phải đi hơn 10km lên Trung tâm hành chính công của thành phố, bây giờ đi sang đây chỉ mấy bước chân, cảm thấy rất thuận tiện". Với ông Ngô Tính, cảm nhận sâu sắc là thay đổi rõ ràng ở bộ phận Trung hành chính công là sự chuyên nghiệp, nhiệt tình và nhanh nhẹn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười đến kiểm tra việc vận hành mô hình chính quyền 2 cấp tại phường Xuân Trường. Tại đây, ông đã thăm hỏi, động viên bà con, người dân đến làm thủ tục tại bộ phận Trung tâm hành chính công.
“Đất nước chúng ta đang sắp xếp mô hình chính quyền 2 cấp tỉnh và xã. Cấp xã mục tiêu là để gần dân, sát dân và phục vụ bà con tốt hơn. Tuy nhiên đây là những ngày đầu tiên đi vào thực hiện chính quyền 2 cấp, sẽ có những cái chưa phải như mong muốn, có gì mà chưa tốt thì mong bà con rất chia sẻ, chắc chắn thời gian gần thôi mọi thứ sẽ trơn tru và rất tốt”, ông chia sẻ với người dân.

Công chức phường Xuân Trường giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trong ngày đầu vận hành chính thức chính quyền địa phương 2 cấp
Chủ tịch UBD tỉnh Lâm Đồng cũng căn dặn đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, nhân viên phường Xuân Trường cần nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết, “nắm tay nhau thật chặt” để thực hiện mục tiêu phục vụ nhân dân, phát triển đất nước.
08:55
Chủ tịch TP.HCM kiểm tra công tác vận hành tại phường đông dân nhất
PV Hà Khánh/VOV.VN đưa tin, sáng 1/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được kiểm tra thực tế hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã tại phường Dĩ An, phường có quy mô dân số lớn nhất trong 168 xã phường, đặc khu của TP.HCM.
Phường Dĩ An mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các phường Dĩ An, An Bình và một phần phường Tân Đông Hiệp.
Với diện tích 21,375 km² và dân số hơn 227.800 người, đây là phường có quy mô dân số lớn nhất trong số 168 đơn vị hành chính cấp xã thuộc TPHCM mới. Việc kiểm tra nhằm đánh giá khả năng vận hành của chính quyền cấp xã trong giai đoạn đầu sau khi thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Tại đây, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu bộ máy chính quyền mới phải đảm bảo người dân tiếp cận dịch vụ hành chính thuận lợi, không bị gián đoạn, đồng thời khẩn trương kiện toàn bộ máy và ổn định nhân sự tại địa phương.
Trước đó, ngày 30/6, TP.HCM đã tổ chức Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về việc thành lập TP.HCM mới; thành lập Đảng bộ thành phố và chỉ định nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Ông Nguyễn Văn Được tiếp tục được tín nhiệm giao giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM mới. TP.HCM mới trên cơ sở hợp nhất TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích hơn 6.772 km², dân số trên 14 triệu người, gồm 168 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu là Côn Đảo.
08:52
PV Văn Giang/VOV.VN ghi nhận sáng ngày 1/7, tại phường Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trước đó, mọi công tác chuẩn bị, hướng dẫn đã được hoàn thiện, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp khi đến làm thủ tục tại phường Kinh Bắc mới, với mục tiêu đảm bảo liên tục, thông suốt.



08:21
PV Lại Hoa/VOV cho biết, ngày 30/6, sau khi dự Lễ công bố các nghị quyết, quyết định về thành lập tỉnh, chỉ định nhân sự, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hồng An, thành phố Hải Phòng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tuyên truyền cho nhân dân nắm rõ, thành thạo nền tảng số; thành lập tổ giúp đỡ chuyển đổi số cho cộng đồng; phải tận dụng các nền tảng số để tuyên truyền cho người dân; chuyển từ hậu kiểm sang hậu kiểm; người dân phải tham gia công việc này.
Phải bố trí cán bộ nắm rõ công việc để hướng dẫn cho người dân; bảo đảm hiệu quả của việc chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp; phát huy phong trào "Bình dân học vụ số".
Yêu cầu hạ tầng kết nối phải thông suốt để không gây ách tắc các dịch vụ hành chính công; vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng phải bám sát công việc, trong đó có hoạt động của các trung tâm phục vụ hành chính công, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc.
Thủ tướng lưu ý quan trọng là thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp phải vui vẻ nhân văn, không được có thái độ hạch sách, không để người dân "sợ hay ngại" khi đến cơ quan công quyền.
Thủ tướng cho rằng Trung tâm phục vụ hành chính công có vai trò quan trọng; cán bộ phải phục vụ hết lòng nhân dân; giữ gìn cơ quan sạch đẹp; cố gắng áp dụng hình thức đăng ký online để người dân đỡ phải chờ đợi; tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác; các bộ phận phải phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo đảm hoạt động hiệu quả.
Nói chuyện với cán bộ và nhân dân phường Hồng An, Thủ tướng yêu cầu cán bộ phải gần dân, sát dân, phục vụ hết lòng nhân dân; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội phải quán triệt điều này, bảo đảm càng chuyển đổi số thì càng phải sát dân hơn, bằng tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ. Cán bộ xã hướng dẫn nhân dân phải tích cực xuống cơ sở, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phục vụ nhân dân nhiều hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hồng An, thành phố Hải Phòng.
08:17
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, cả nước còn 34 tỉnh, thành và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã. Những ngày qua, nhiều nơi đã vận hành thử nghiệm chính quyền địa phương 2 cấp, một số tỉnh, thành phố như Hà Nội vận hành thử nghiệm với quy mô lớn, có tính chất tổng thể với nhiều kịch bản chưa từng có.
Ghi nhận tại nhiều xã, phường mới ở Hà Nội và một số tỉnh thành cho thấy tinh thần làm việc nghiêm túc, bài bản và chủ động. Các nội dung của việc vận hành thử nghiệm tập trung vào những vấn đề cơ bản, như bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt trên mọi lĩnh vực gồm dịch vụ hành chính công; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; chăm lo đời sống nhân dân; chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc...

07:32
Xe bus đưa cán bộ, công chức đến làm việc tại tỉnh mới
PV Vân Hồng/VOV phản ánh, từ khoảng 6h50 đến 7h15 sáng, hàng chục chuyến xe 35-45 chỗ đã lần lượt đón cán bộ tại các khu vực như phường Phủ Lý và phường Nam Định (tỉnh Hà Nam cũ), đưa đến các sở, ngành đóng tại địa bàn phường Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình để làm việc.
Ghi nhận cho thấy tại Sở Xây dựng và Sở Tài chính (cũ), có khoảng 30 cán bộ, công chức và người lao động được xe ô tô đón từ phường Nam Định sang, trong khi khoảng 15 người khác đi từ phường Phủ Lý.
Tại cơ sở 2 của Sở Xây dựng – nơi hiện là địa điểm làm việc của các phòng như Phòng Kinh tế vật liệu, Phòng Kiểm tra pháp chế, Phòng Vận tải, Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Phòng Kết cấu hạ tầng cùng Chi cục Cảng vụ – cũng ghi nhận hàng chục cán bộ, công chức, người lao động có mặt từ sớm để bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trong môi trường mới.

Xe bus tập trung tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam (cũ) đón đoàn cán bộ sang Ninh Bình làm việc. Sau khi hợp nhất Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình thành tỉnh mới Ninh Bình, trung tâm hành chính được đặt tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vân Hồng

Cán bộ, công chức lên xe bus từ Nam Định (cũ) sang Hoa Lư, Ninh Bình làm viêc

06:46
34 tỉnh, thành trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã, đánh dấu thời khắc lịch sử của đất nước.
PV Nguyễn Hà - Chung Thủy/VOV.VN cho biết, đúng 6h sáng nay (1/7), chuông trống Bát Nhã đồng loạt vang lên tại hơn 18.000 ngôi chùa trên cả nước. Nghi lễ trang nghiêm này là một trong những hoạt động tâm linh trọng điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm cầu nguyện cho đất nước thái bình, nhân dân an lạc, trong thời khắc đặc biệt khi mô hình chính quyền 2 cấp chính thức được triển khai.



Nghi thức đánh chuông, trống và cầu nguyện tại chùa Quán Sứ (Hà Nội)
Như tin đã đưa, Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và nhiều dự án luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Hôm qua, 30/6, cả nước đồng loạt diễn ra Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu, để hôm nay 1/7 vận hành chính thức mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp đi khảo sát thực tế mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại phường Xuân Hòa, TP.HCM chiều 29/6
Trực tiếp đi khảo sát thực tế mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của bộ máy mới là vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước của thành phố và chăm lo tốt hơn cho đời sống của nhân dân.
"Chúng ta phải xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuyển từ hình thức quản lý thụ động sang quản trị thông minh phục vụ nhân dân, chính quyền vì dân, phục vụ nhân dân kiến tạo cho sự phát triển và đủ năng lực để có thể triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống vì sự phát triển chung của đất nước", Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Như Quốc hội đã phân tích khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa phát huy được việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Kết quả sau hơn một tháng lấy ý kiến rộng rãi, dân chủ, công khai, minh bạch qua nhiều hình thức cho thấy, về tổ chức đơn vị hành chính có tới 99,83% ý kiến tham gia góp ý tán thành với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Quốc hội cũng đồng thuận cao khi biểu quyết thông qua.
Trong khi đó, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thể hiện cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện, mang tính kiến tạo sâu sắc, phản ánh tầm nhìn chiến lược, quyết tâm đổi mới; xác lập chỉnh thể cấu trúc pháp lý của chính quyền địa phương 2 cấp trên nền tảng tuân thủ một số điều có liên quan đến Hiến pháp được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; thể chế hóa chủ trương của Đảng trong tổng thể cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có kế thừa, bổ sung, phân định rành mạch thẩm quyền về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để phân định giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp chính quyền địa phương với nhau, làm cơ sở pháp lý để hệ thống pháp luật chuyên ngành tuân theo khi sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới. Đồng thời thúc đẩy sự chủ động, năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương theo phương châm mà Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Đáng chú ý, quy định mới trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến từ 2 đơn vị hành chính trở lên, nhằm giảm thiểu tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, nâng cao hiệu quả điều hành ở cấp xã.
Ngoài ra, bổ sung thẩm quyền phân cấp của Chủ tịch UBND cấp tỉnh để phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân định, qua đó tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo, điều hành hoạt động trên toàn địa bàn cấp tỉnh.
Nhằm tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, theo góp ý của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã hoàn thiện nội dung phân định giữa nhiệm vụ, quyền hạn chung của UBND và nhiệm vụ, quyền hạn riêng của Chủ tịch UBND theo hướng tăng nhiều hơn thẩm quyền của Chủ tịch UBND. Theo đó, chuyển nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cho Chủ tịch UBND thực hiện để bảo đảm việc xử lý nhanh chóng, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động quản lý hành chính ở địa phương…