Thành công từ những đột phá (bài 1)

Với nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá, cộng với ý chí quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, trong đó, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, góp phần xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc.

Bài 1: Đột phá trong tham mưu kiến tạo hành lang pháp lý cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, chuyên trách trong tham mưu chiến lược, chủ động báo cáo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm nội bộ về biên phòng, biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, BĐBP Phú Yên tuần tra tại điểm cực Đông của Tổ quốc. Ảnh: Duy Liêm

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, BĐBP Phú Yên tuần tra tại điểm cực Đông của Tổ quốc. Ảnh: Duy Liêm

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, trên cơ sở kết quả tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP và yêu cầu của thực tiễn, Đảng ủy BĐBP nhận thấy: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, đồng bộ. Việc tổ chức xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và BĐBP thực thi nhiệm vụ. Do đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ngày 11/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, tạo hành lang pháp lý vững chắc, đồng bộ cho nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Ngay sau khi Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Đó là Nghị định số 106/2021/NĐ-CP, ngày 6/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam; Nghị định số 02/2021/NĐ-CP, ngày 2/12/2021 của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của BĐBP. Thông tư số 163/2021/TT-BQP, ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và hình thức quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường của BĐBP; Thông tư số 02/2022/TT-BQP, ngày 7/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thuộc quyền trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; phối hợp giữa BĐBP và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Quyết định số 3863/QĐ-BQP, ngày 5/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021-2025.

Các văn bản này đã cụ thể hóa đầy đủ nội dung Luật Biên phòng Việt Nam, giúp BĐBP và các lực lượng liên quan có căn cứ pháp lý để tổ chức thực thi nhiệm vụ một cách thống nhất, hiệu quả.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực biên phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP còn chủ động tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh. Trong đó, có nhiều đề xuất phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước tại khu vực cửa khẩu, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi, an toàn cho hoạt động xuất, nhập cảnh, xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới.

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã kịp thời tham mưu triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch từ tuyến đầu biên giới. Gần 2.000 tổ, chốt với trên 14.000 cán bộ, chiến sĩ BĐBP cùng cán bộ, chiến sĩ các lực lượng phối hợp được duy trì thường xuyên trên toàn tuyến biên giới kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới, ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh lây truyền qua biên giới. Đặc biệt, hệ thống gần 1.000 camera giám sát tại 987 vị trí thuộc 25 tỉnh biên giới đất liền đã được thiết lập, kết nối với trung tâm chỉ huy tại các đồn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Bộ Tư lệnh BĐBP, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình huống.

Đồng thời, nhận rõ vai trò, vị trí, sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung, cũng như trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Đảng ủy BĐBP đã kịp thời phối hợp với các tỉnh, thành ủy chỉ đạo phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới. Ngay sau khi Đảng ủy BĐBP ban hành chỉ thị, 44 tỉnh, thành ủy biên giới đã ban hành chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát động phong trào sâu rộng ở tất cả các xã, phường, thị trấn biên giới, với sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân khu vực biên giới, tạo thành phòng tuyến trực tiếp ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh lan truyền qua biên giới, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước ngăn chặn, khống chế thành công đại dịch Covid-19 và các hành vi vi phạm pháp luật trên biên giới.

Có thể khẳng định, công tác tham mưu của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP trong nhiệm kỳ 2020–2025 đã có bước phát triển vượt bậc về tầm nhìn, chiều sâu và hiệu quả. Không chỉ kịp thời phản ứng với các vấn đề thực tiễn đặt ra trên tuyến biên giới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP còn chủ động tham mưu, báo cáo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong hoạch định chiến lược, xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong thời kỳ mới. Nhiều định hướng lớn đã được đưa vào quá trình hoạch định chính sách như: xây dựng khu vực phòng thủ, khu kinh tế - quốc phòng ở khu vực biên giới, quy hoạch hệ thống cửa khẩu, cảng biển; phát triển hạ tầng vùng biên; xây dựng nền Biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền An ninh nhân dân ở khu vực biên giới... Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy BĐBP đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành 1 đề án (của Ban Bí thư), 3 kết luận (của Bộ Chính trị), 1 luật (của Quốc hội), 4 nghị định (của Chính phủ), 1 quyết định (của Thủ tướng Chính phủ); 14 thông tư, 1 đề án, 5 quy định (của Bộ Quốc phòng).

Bài 2: Đột phá trong xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thanh-cong-tu-nhung-dot-pha-bai-1-post491696.html