Hôm nay, giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải
Phiên xử giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải diễn ra 3 ngày, do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Tính đến thời điểm này, vụ án đã xảy ra 12 năm.
TAND Tối cao cho biết hôm nay, phiên xử giám đốc thẩm vụ Giết người và Cướp tài sản liên quan tử tù Hồ Duy Hải (sinh năm 1985, quê Long An) sẽ diễn ra.
"Phiên xử do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa sẽ diễn ra tại trụ sở TAND Tối cao ở Hà Nội", đại diện TAND Tối cao nói với Zing.
Ngoài Hội đồng Thẩm phán, phiên tòa còn có sự tham gia của đại diện các cơ quan VKSND Tối cao, TAND Tối cao cùng cơ quan tố tụng tỉnh Long An.
Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) là người bào chữa cho Hồ Duy Hải. Bị cáo cùng những người liên quan khác không tham dự. Phiên xử dự kiến diễn ra trong các ngày 6-8/5.
Chia sẻ với Zing, bà Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1965, mẹ của Hồ Duy Hải), cho hay sau 12 năm đi khắp nơi để kêu oan cho con trai, bà rất vui mừng, trong lòng nôn nao và khấp khởi hy vọng từ ngày nghe tin VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy 2 bản án tử hình để điều tra lại.
Ngày 13/1/2008, hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân bị giết. Hai tháng sau, ngày 21/3, Hồ Duy Hải bị bắt. Hồ sơ thể hiện Hải là hung thủ duy nhất.
Ngày 1/12/2008, TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm, tuyên án tử hình Hồ Duy Hải. Đến ngày 28/4/2009, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm giữ nguyên án tử hình bị cáo.
Đầu tháng 12/2014, Hội đồng thi hành án tỉnh Long An có quyết định thi hành án đối với Hồ Duy Hải. Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước truyền đạt ý kiến Chủ tịch nước tạm hoãn thi hành án với tử tù Hồ Duy Hải cho đến nay.
Ngày 28/11/2019, VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án để điều tra lại.
Theo Điều 388 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng Giám đốc thẩm có các thẩm quyền: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa sơ thẩm hoặc tòa phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
Ngoài ra, hội đồng cũng có thể ra quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.