Hôm nay, hai bộ giải trình về xăng dầu
Hôm nay (28/2), Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ phải giải trình về tình hình xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng có văn bản mời các doanh nghiệp xăng dầu tham dự phiên giải trình về tình hình xăng dầu của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo Ủy ban Kinh tế sẽ chủ trì cuộc họp này.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối xăng dầu đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương... về các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu hiện nay và góp ý sửa đổi Nghị định 95, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) trả lời trên Tiền Phong cho biết, đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Công Thương chất vấn 3 yêu cầu liên quan việc đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho doanh nghiệp trong bối cảnh “ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối có lãi, trong khi doanh nghiệp bán lẻ thì lỗ ròng đến mức kiệt quệ nguồn vốn suốt hơn một năm qua”.
Theo vị này, để gỡ mối bòng bong cho thị trường xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý cần nhìn thẳng vào thực tế của thị trường, cũng như phải bảo đảm rằng sẽ không có ‘lợi ích nhóm’ trong xây dựng văn bản pháp luật, trả lại sự công bằng trong khâu phân phối xăng dầu hiện nay. Bất cập hiện nay là doanh nghiệp bán lẻ đang ở đáy của chuỗi cung ứng nhưng không được hưởng quyền lợi. Sự sống còn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phụ thuộc hoàn toàn vào sự rộng lượng của các tầng nấc phía trên là đầu mối và thương nhân phân phối.
Ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bảo Dương cho biết một “éo le” của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu là phải đăng ký mức bán lẻ thường xuyên. Nếu vượt qua mức này thì nhà cung cấp cũng không thể đáp ứng thêm nên trong một số trường hợp khi cầu vượt cung, các cây xăng buộc phải bán nhỏ giọt vì sợ không đủ hàng bán, đóng cửa thì lại bị nhắc nhở.
Do đó, theo ông Báu, Nghị định về quản lý kinh doanh xăng dầu nên tìm cách nào đó để có thể bỏ giới hạn hạn mức được mua hàng tháng trong hợp đồng mua bán bởi chắc chắn thị trường sẽ có những tình huống đột biến như thời gian vừa qua.
Tại hội thảo "Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu" mới đây, ông Hà Thanh Tùng - Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (ở Hà Giang) cho biết, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có 950 thành viên với 9.000 cửa hàng, chiếm khoảng 53% trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Ước tính số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ tính từ tháng 3/2022 đến nay khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Dù vậy, do xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên lời hay lỗ vẫn phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng nếu không sẽ bị phạt.
Ngày 24/2, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và "không được để chậm trễ".
Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/hom-nay-hai-bo-giai-trinh-ve-xang-dau-d36993.html