Hôm nay, Quốc hội tiến hành quy trình lấy phiếu tín nhiệm
Hôm nay, (24/10), Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra vào chiều nay. Đây là là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
“Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng Đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, đề nghị mỗi đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy Nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trong phiên khai mạc sáng nay (23/10).
Trước đó, ngày 16/10, tại Họp báo trước Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, cho biết, Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã bầu và phê chuẩn 50 chức danh. Hiện có 49 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Tuy nhiên, theo quy định, những người có thông báo chờ nghỉ hưu và chức danh được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 do chưa đủ 1 năm giữ chức vụ.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được tiến hành theo Nghị quyết 96 được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Các chức danh sẽ lấy phiếu tín nhiệm, gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo Nghị quyết 96, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với người được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Điều đó đồng nghĩa Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, 2 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Bởi, 5 vị này được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.
Như vậy, sẽ còn 44 vị thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Cũng theo Nghị quyết 96 của Quốc hội, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục.
Đồng thời, giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và Nhân dân có ý kiến hoặc đại biểu Quốc hội yêu cầu (nếu có).
Trong sáng hôm nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024;
Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển KT-XH năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025;
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;
Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.