Homelander - Siêu Nhân bản lỗi hay ác nhân hoàn hảo của nước Mỹ?
Đúng người đúng thời điểm, Homelander trong series 'The Boys' là phép ẩn dụ về chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ mà người dân xứ sở cờ hoa trước nay vẫn rất đỗi tự hào.
Series The Boys ra đời vào thời kỳ vàng son của thể loại phim siêu anh hùng, nhưng đồng thời là quãng thời gian tình hình chính trị - xã hội của nước Mỹ trở nên rối ren hơn bao giờ hết.
Thế giới của loạt phim trái ngược hẳn với hình ảnh chính nghĩa của các siêu anh hùng DC hay Marvel. Ở đó, người hùng thực sự là những kẻ không có quyền, không có tiền trong tay, còn đám siêu nhân mặc áo choàng lại gieo rắc không biết bao nhiêu bi kịch.
Trung tâm của nhóm The Seven, “người bảo vệ nước Mỹ” trong The Boys - Homelander (Antony Starr) - là hình dung tồi tàn nhất, và cũng hợp lý nhất về Superman nếu anh ta có tồn tại.
Đại diện của chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ
Mùa hai của The Boys có nội dung sâu sắc đến bất ngờ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít hiện đại, đả phá cách những kẻ đi theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng xoay xở để nhồi nhét lý luận thảm hại vào công luận qua việc sử dụng thành thạo các phương tiện truyền thông xã hội và meme (ảnh chế).
Trong phim, Stormfront (Aya Cash) chính là bộ mặt của chủ nghĩa phát xít hiện đại (hay thực tế chẳng khác gì chủ nghĩa phát xít nguyên thủy). Tuy nhiên, điều thực sự thú vị là mối quan hệ giữa nữ “siêu anh hùng” với Homelander - gương mặt của chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ (exceptionalism).
Được cho là nhân vật phức tạp và hấp dẫn nhất series, Homelander hội tụ đủ thứ xấu xa đồi bại tự luyến. Tồi tệ hơn, hắn lại là nhân vật được yêu thích nhất. Ý tưởng về gã độc đáo và đáng sợ đến mức các phim siêu anh hùng “chính chuyên” không bao giờ có thể chạm tới.
Ngày nay, Superman thường bị coi là biểu tượng lỗi thời, nhưng Captain America và Wonder Woman đã cố gắng phổ biến khái niệm về một siêu anh hùng yêu nước hoàn hảo: xuất hiện ở Mỹ, chiến đấu chống lại Đức Quốc xã trong truyện tranh.
Hầu hết khán giả rất thích những nhân vật này, biết họ lý tưởng ra sao. Nhưng sâu xa, chúng ta đều hiểu rằng nếu Captain America có thật, anh ấy ban đầu hẳn cổ vũ cho chiến tranh Iraq và cay đắng đăng trên Facebook về cách người ta “chính trị hóa thể thao”.
Không có cách nào một biểu tượng yêu nước và nổi tiếng như Captain America lại rời xa mạng xã hội hay những biến chuyển trong chính trị nước Mỹ. Như lịch sử đã chứng minh, làm một người Mỹ yêu nước không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự đúng đắn.
Homelander là mô tả chân thực về cách một kẻ tội phạm bắp tay to khoác trên mình lá cờ Mỹ lòe loẹt sẽ thực sự hành xử ra sao khi hắn được “bảo kê” bởi các tập đoàn hùng mạnh và quảng bá như một đấng cứu thế.
Trong truyện, nhân vật này thậm chí còn ném cả một chiếc xe chở các thành viên gia đình hâm mộ siêu anh hùng từ trên trời xuống đất khi họ gào khóc, chết dần vì lạnh và sốc độ cao, cốt chỉ để… mua vui.
Ngày một đáng sợ hơn
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ ở mùa hai của The Boys là khi Stormfront tiết lộ mình là Nazi chính hiệu, đồng thời giải thích cho Homelander rằng anh ta là hình ảnh hoàn hảo của siêu nhân Aryan tóc vàng mắt xanh mà bọn chúng hằng tìm kiếm. Sự đáp trả của Homelander thật vui nhộn: anh ta im như phỗng, không có bất cứ một câu chất vấn nào.
Nhân vật này có vẻ như không phải là người phân biệt chủng tộc. Nhưng nếu một kẻ phân biệt chủng tộc mà được ngưỡng mộ, thì Homelander có lẽ sẽ chiều theo ngay. Đó là minh họa tuyệt vời cho thấy chủ nghĩa dân tộc và lòng tự ái đan xen với phân biệt chủng tộc một cách gọn gàng thế nào.
Cuối mùa phim, Homelander tạm thời bị khuất phục khi Queen Maeve đe dọa tung một đoạn phim tiết lộ bản chất của anh ta với công chúng. Nhưng cảnh cuối cùng trước khi khép lại mùa hai khiến tất cả bị sốc: biểu tượng nước Mỹ đứng trên nóc nhà cao tầng thủ dâm một cách điên cuồng, trong khi luôn miệng nói: “Ta có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn”.
Điều đáng sợ hơn là Homelander sớm trở lại trong sự đón nhận của công chúng và sự tha thứ của Vought. Ngay cả khi Queen Maeve chơi ván bài ngửa, tung video anh ta bỏ rơi cả chiếc máy bay, thì chiêu trò tung tin giả mà Stormfront đã dùng để “cứu net” Homelander trước đây hẳn sẽ được Vought áp dụng. Liệu mấy ai sẽ tin đó là video thật, khi Facebook ngập tràn meme tung hỏa mù và tin giả mà giới trung niên nước Mỹ chia sẻ nhiệt tình?
Khán giả của The Boys thường sợ hãi khi thấy siêu anh hùng này đứng trước công chúng. Mỗi lần Homelander nói “Chúng tôi sẽ bảo vệ các bạn”, kiểu gì cũng có ai đó thiệt mạng. Thật đáng sợ khi thấy anh ta đóng giả như người hùng thêm một lần nữa, sau tất cả những sự kiện điên rồ: cô bạn gái Đức quốc xã gặp cái kết bi thảm, con trai chạy mất, bố hờ bị nổ tung sọ trong phiên điều trần...
Mọi nỗ lực bài trừ, tẩy chay đều chỉ khiến Homelander trở lại mạnh mẽ hơn. Dù các sự kiện của mùa phim đã khiến gã trở nên bất ổn và nguy hiểm hơn bao giờ hết, Homelander vẫn được chào đón trở lại như một anh hùng.
Trước The Boys, Antony Starr vốn là gương mặt không được nhiều người biết đến, ngoại trừ những ai đã xem series Banshee trên Cinemax. Nam diễn viên đã biến Homelander thành một phần của lịch sử truyền hình.
Aya Cash từng nói về bạn diễn của mình rằng: “Có rất nhiều lựa chọn dễ dàng khi vào vai phản diện. Bằng cách nào đó Ant (Antony) luôn làm ngược lại, và khiến nó trở nên ám ảnh hơn”.
Việc Starr là người New Zealand giống như lợi thế khi anh thủ vai “phép ẩn dụ về nước Mỹ”, đặc biệt khi nói đến việc châm biếm ý tưởng về chủ nghĩa ngoại lệ của người Mỹ (rằng ai cũng đặc biệt và ai cũng nên nghĩ rằng mình là ngoại lệ đặc biệt). Theo đó, tài tử đã góp phần bộc lộ sự phù phiếm và phân biệt chủng tộc bên dưới bề nổi tảng băng.
“Ở Mỹ, chủ nghĩa yêu nước giống như một thứ tôn giáo”, Antony Starr nhận định. “Tôi thì khác. Điều đó chắc chắn cho phép tôi khám phá các khía cạnh khác nhau của Homelander mà một người Mỹ có thể không nhìn thấy”.