Hơn 1.000 hộ dân cần được hỗ trợ khẩn cấp bố trí tái định cư sau bão Yagi
Đã có 14 tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi đề nghị hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện 170 dự án/phương án bố trí ổn định dân cư.
Cập nhật đến ngày 7/10/2024, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết tổng số hộ dân có nhà bị trôi, sập, đổ, vùi lấp hoàn toàn không có nơi cư trú cần được hỗ trợ khẩn cấp bố trí tái định cư sau bão Yagi là 1.013 hộ.
Báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.
Sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng thoát lũ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai bảo đảm an toàn, phù hợp với điều kiện, tập quán, văn hóa và sinh kế cho người dân, là một nội dung đáng chú ý của báo cáo trên.
Theo báo cáo, giai đoạn 2021 - 2024, trên địa bàn cả nước bố trí ổn định cho gần 9 nghìn hộ ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai (lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt), góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân.
Sau bão Yagi, theo báo cáo của các địa phương tính đến ngày 7/10/2024 tổng số hộ dân có nhà bị trôi, sập, đổ, vùi lấp hoàn toàn không có nơi cư trú cần được hỗ trợ khẩn cấp bố trí tái định cư là 1.013 hộ. Lào Cai (289 hộ), Hà Giang (15 hộ), Yên Bái (326 hộ), Cao Bằng (64 hộ), Bắc Kạn (16 hộ), Hòa Bình (06 hộ), Sơn La (212 hộ), Phú Thọ (85 hộ).
Số điểm dân cư bị sạt lở và nguy cơ rất cao về sạt lở, lũ, lũ quét, ngập lụt khoảng 170 điểm; số hộ phải di dời khẩn cấp đến điểm tái định cư mới là gần 9.000 hộ.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhận được văn bản của 17/26 tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), trong đó 14 tỉnh đề nghị hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện 170 dự án/phương án bố trí ổn định dân cư theo các hình thức tập trung, xen ghép cho 8.896 hộ - báo cáo nêu.
Nhìn nhận khó khăn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nhận thức về vai trò, ý nghĩa công tác bố trí dân cư của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế, chưa đồng đều và ngang tầm với nhiệm vụ. Chưa chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành cơ chế chính sách cụ thể hóa thực hiện các nội dung, giải pháp của Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (đến nay mới có 20 tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách thực hiện bố trí dân cư).
Cạnh đó, việc rà soát, tổng hợp danh mục dự án bố trí dân cư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm, chưa cụ thể. Công tác khảo sát thiết kế, rà soát đối tượng, lập và phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư quá lớn, dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài, giảm hiệu quả đầu tư.
Đáng chú ý, một số chính sách, như chính sách đất đai, hỗ trợ di chuyển để làm nhà còn mức thấp (mức hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để di dời nhà ở đối với hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội), trong khi để xây 1 căn nhà diện tích khoảng 40 m2 theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (nền cứng, tường cứng, mái cứng) với chi phí khoảng 150 - 250 triệu đồng tủy từng địa phương.
Khó khăn nữa là công tác kiểm tra, giám sát các dự án trên địa bàn chưa được thường xuyên. Thông tin, báo cáo hạn chế, chưa kịp thời; năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bố trí dân cư ở một số địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chung.
Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ dẫn đến lúng túng và gặp khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện. Quản lý Chương trình bố trí dân cư một số địa phương còn phân tán giao cho nhiều ngành, không rõ cơ quan chủ trì. Công tác quy hoạch, kế hoạch, lập dự án đầu tư và tổ chức thực hiện bố trí dân cư, đặc biệt là công tác cảnh báo, ứng phó, ứng dụng công nghệ số đối với các loại hình thiên tai (lũ, lũ quét, sạt lở đất…) còn hạn chế.
Vẫn theo Bộ trưởng, quỹ đất để bố trí các điểm tái định cư tập trung ngày càng hạn chế. Tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu. Điều kiện tự nhiên (địa hình, đặc biệt là khu vực miền núi chia cắt, độ dốc lớn; khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước thiếu…) thường không thuận lợi, đầu tư khó khăn và tốn kém.