Hơn 1.000 mô hình sinh kế của phụ nữ vùng biên cương được hỗ trợ
Đây là kết quả ấn tượng của chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' giai đoạn 2021-2023, nhằm xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình sinh kế bền vững, đấy mạnh hoạt động an sinh xã hội, phát huy nội lực của phụ nữ khu vực biên giới.
Phụ nữ dân tộc Hà Nhì xã Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu) nhận tiền vốn hỗ trợ sinh kế. Ảnh: Nguyễn Phượng
Trên khắp dải đất hình chữ S, đi đến đâu chúng tôi cũng có thể nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ chăm chỉ, tảo tần đang ngày ngày xây dựng cuộc sống ấm no trên chính mảnh đất quê hương mình.
Trước đây, gia đình họ đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", với sự chung tay của các cấp Hội phụ nữ và Bộ đội biên phòng, cuộc sống của họ đã dần thay đổi. Nhiều mô hình phát triển sinh kế vùng biên viễn đã chứng minh được hiệu quả từ thực tiễn. Cuộc sống của các hội viên, phụ nữ, bà con vùng cao, dân tộc thiểu số đang ngày một đổi thay.
Chuyện của những người phụ nữ được hỗ trợ để mạnh dạn vươn lên
Đến huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, chúng tôi có dịp ghé thăm vườn trồng địa lan của chị Giàng Thị Dua (dân tộc Mông, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ). Chị Dua chia sẻ: Nhờ được Hội LHPN xã hướng dẫn, chị được tiếp cận và vay 74 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH và TƯ Hội LHPN Việt Nam. Số tiền ấy, chị đầu tư vào trồng và chăm sóc cho cây địa lan, loại cây thế mạnh tại địa phương. Mỗi dịp Tết đến xuân về, hoa lan được bán cho khách du lịch, cho các cửa hàng ở thành phố Lai Châu, ở Sapa, Hà Nội…
Đến nay, chị đã trả hết nơi và có thêm nguồn vốn để đầu tư, kinh doanh thêm dịch vụ lưu trú, du lịch. Cuộc sống gia đình khấm khá hơn, có kinh tế lo cho con cái học hành đầy đủ.
Trên mảnh đất Tây Nguyên, chị Hoàng Thị Thoa, thông Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), thuộc hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, vợ chồng không có việc làm ổn định. Nhờ sự trợ giúp của Hội LHPN, chị được hỗ trợ vay 10 triệu đồng. Với nguồn vốn này, gia đình chị tận dụng đất xung quanh vườn để đào ao, mua cá giống, mua thức ăn cho cá, nuôi vịt, nuôi gà… Kinh tế gia đình nhờ vậy cũng được cải thiện. Chị Thoa tâm sự: "Trước đây, gia đình tôi không có điều kiện để phát triển kinh kế. Từ khi được nhận hỗ trợ cho vay vốn, tôi đã có được nguồn sinh kế lâu dài, gia đình nay đã thoát nghèo".
Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có đông đồng bào dân tộc Khmer, Chăm sinh sống, với nhiều hội viên, phụ nữ nghèo. Đứng trước "Mái ấm biên cương", căn nhà khang trang được Hội LHPN và Bộ đội Biên phòng xây tặng, bà Trương Thị Nga, hội viên phụ nữ ấp Vĩnh Hòa, huyện Tri Tôn, không giấu được sự xúc động. Bà kể: "Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, làm thuê mướn sống qua ngày, ở trong ngôi nhà lá tạm bợ xuống cấp mà không có kinh phí để tu bổ. Nhờ có sự giúp đỡ, nay tôi đã được ở trong căn nhà vững chãi hơn, kết cấu mái và vách bằng tôn, nền lát gạch men, diện tích sử dụng 75m2 có 1 phòng khách, 1 phòng ngủ và nhà vệ sinh. Tổng kinh phí xây dựng 95 triệu đồng, trong đó Hội Nữ doanh nhân tỉnh An Giang hỗ trợ 50 triệu đồng, số còn lại do người thân trong gia đình đóng góp hỗ trợ".
Câu chuyện của những người phụ nữ vùng biên viễn là minh chứng rõ nét nhất cho thấy những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thể hiện tinh thần sẻ chia với hội viên, phụ nữ nghèo nơi biên giới. Đây không chỉ là sự giúp đỡ, động viên về vật chất, mà còn động viên gia đình hội viên, phụ nữ nghèo phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình sinh kế bền vững
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, tháng 3/2022, TƯ Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với TƯ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở đầu số nhắn tin ủng hộ Chương trình đợt 3, phát động nhắn tin trong toàn thể các cấp Hội LHPN, Bộ đội Biên phòng và toàn xã hội. Kết quả, đợt nhắn tin huy động được 3.460.320.000 đồng, hỗ trợ 34 mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo vùng biên giới. Đến thời điểm tháng 3/2023 đã có 29/34 mô hình được giải ngân với tổng số tiền 2.900.000.000 đồng.
Đồng thời với việc duy trì bền vững, hiệu quả các mô hình sinh kế đã thành lập từ giai đoạn 2018 - 2020, các đơn vị hỗ trợ tiếp tuc phối hợp với các cấp Hội và các Đồn Biên phòng xây dựng, hỗ trợ mới các mô hình sinh kế dựa trên thế mạnh từng địa phương, chú trọng đáp ứng nhu cầu và phát huy nội lực của phụ nữ khu vực biên giới như các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, chọn cây, con giống thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho phụ nữ. Đến nay, 100% Hội LHPN xã biên giới đã duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ, nhóm, mô hình sinh kế tại địa phương. Nhiều mô hình sinh kế đã xoay vòng được vốn, hỗ trợ cho nhiều phụ nữ nghèo khác trên địa bàn.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất, phát triển sinh kế cho phụ nữ, hai ngành đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh như: cách thức quản lý, sử dụng nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp phụ nữ vùng biên tiếp cận với tiến bộ công nghệ, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế, sản xuất; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả, tổ chức các hoạt động lồng ghép, hướng dẫn và củng cố mô hình tiết kiệm tại các xã của Chương trình để tạo thói quen tiết kiệm, quản lý chi tiêu cho phụ nữ dân tộc thiểu số...
Thông qua đó, phụ nữ các xã biên giới đã có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, Hội LHPN địa bàn biên giới nâng cao chất lượng hoạt động Hội, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, gia tăng hiệu quả giảm nghèo của các Chương trình, dự án triển khai trên địa bàn, đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025.
Đến nay, Chương trình đã hỗ trợ được 1.022 mô hình sinh kế, chủ yếu là các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt, 34.146 con giống, 51.070 cây giống, thành lập và vận hành 172 mô hình tiết kiệm trong phụ nữ dân tộc thiểu số. Nhiều tỉnh đã vượt chỉ tiêu của cả giai đoạn về xây dựng, hỗ trợ mô hình sinh kế.