Hơn 1.300ha nuôi tôm ở Sóc Trăng bị thiệt hại do thời tiết bất thường
Ngày 15/6, Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng Quách Thanh Bình cho biết, do ảnh hưởng thời tiết mưa đến sớm, độ mặn xuống thấp, tôm nuôi có hiểu hiện chậm lớn, diện tích tôm nuôi ở Sóc Trăng bị thiệt hại đang gia tăng làm giảm năng suất tôm nuôi.
Theo thống kê sơ bộ, có hơn 1.347ha tôm nuôi trong tỉnh này bị thiệt hại, chiếm 4% diện tích được thả nuôi.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã có hơn 42.100ha nuôi thủy sản, tăng 57% so cùng kỳ; trong đó, tôm nuôi nước lợ 33.716ha/9.335 triệu con giống (tôm thẻ chân trắng 26.288,6ha chiếm tỷ lệ 78%), đạt 66,1% so kế hoạch và bằng 129,3% so cùng kỳ. Tổng sản lượng tôm thu hoạch trong hơn 5 tháng đầu năm 2022 tại Sóc Trăng đạt gần 48.000 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng là 36.855,3 tấn. Hiện nay, còn khoảng 25.852ha tôm đang phát triển trên đồng.
Do nguồn cung tôm nguyên liệu giảm, giá tôm bật tăng mạnh. Hiện giá tôm thẻ loại 20 con đang dao động 230.000-240.000 đồng/kg, tăng 14.000 đồng so cùng kỳ. Đối với loại 100 con/kg tăng đến 18.000 đồng so tháng 6/2021. Tuy giá tôm nguyên liệu tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến vẫn không thu mua đủ để chế biến.
Ngoài khó khăn về thời tiết, người nuôi tôm còn đang đối mặt với khó khăn do vật tư đầu vào có chiều hướng tăng, đặc biệt là thức ăn cho tôm. Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn, hướng tới vụ nuôi tôm thắng lợi, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt thông tin tuyên truyền, thông tin đến người dân về các tình hình dự báo thời tiết, cũng như tình hình giá cả tôm. Khuyến nghị người nuôi tôm phải tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để có sự liên kết thực sự trong sản xuất cũng như kinh doanh, sản xuất hiệu quả hơn. Khi sản xuất theo chuỗi, được kết nối với các tổ chức cung ứng vật tư đầu vào, không chỉ giúp người nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và hình thành thương hiệu sản xuất chuỗi chất lượng.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đề ra sản lượng tôm nuôi nước lợ là 196.000 tấn. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang tích cực hỗ trợ các địa phương trọng điểm nuôi tôm chủ động hỗ trợ nông dân ứng phó trước diễn biến thời tiết bất lợi; đồng thời, tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan có các giải pháp quản lý tôm nuôi phù hợp tình hình thực tế phát sinh.