Hơn 1,4 tỷ đồng cải tạo nhà lưu trú cho giáo viên miền núi tại Đà Nẵng
Nhà lưu trú cho giáo viên xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được đầu tư 1,4 tỷ đồng cải tạo cơ sở vật chất cũ, đảm bảo điều kiện chỗ ở cho các thầy, cô giáo đang dạy tại các điểm trường trên địa bàn.
Chiều 6/3, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng và UBND huyện Hòa Vang tổ chức bàn giao công trình Nhà lưu trú dành cho các thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các điểm trường ở xã miền núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).
Khu nhà lưu trú cho giáo viên xã Hòa Bắc được cải tạo, sửa chữa từ dãy nhà cũ của địa phương, nằm gần trường Tiểu học xã Hòa Bắc. Công trình được thi công và hoàn thiện trong vòng 4 tháng.
Các hạng mục gồm: 4 phòng ở với hệ thống bếp, nhà vệ sinh khép kín, khu nhà để xe, tường rào, cổng ngõ, sân sinh hoạt chung... với tổng diện tích xây dựng khoảng 500 m2.
Tổng kinh phí để thực hiện công trình là 1,42 tỷ đồng, trong đó, LĐLĐ TP Đà Nẵng hỗ trợ 990 triệu đồng, UBND huyện Hòa Vang đối ứng 400 triệu đồng và Công đoàn ngành Giáo dục TP hỗ trợ 30 triệu đồng để mua sắm vật dụng, thiết bị.
Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, do đặc thù về vị trí địa lý, xa trung tâm đi lại khó khăn. Vì vậy, đội ngũ giáo viên công tác tại xã Hòa Bắc (đa phần là người địa phương khác) gặp khó khăn về việc tìm kiếm, ổn định chỗ ở để yên tâm công tác.
"Xuất phát từ thực tế nhiều giáo viên ở xa phải thuê trọ, ở nhờ nhà dân để giảng dạy ở các điểm trường trên địa bàn xã Hòa Bắc, địa phương đã đề xuất tìm nguồn hỗ trợ để xây dựng Nhà lưu trú", ông Hoàng nói.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, công trình ở khá xa, việc vận chuyển vật liệu, quá trình thi công cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết nên kinh phí đội lên nhiều so với dự kiến.
“Tuy vậy, LĐLĐ TP vẫn tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để hoàn thiện và sớm bàn giao công trình cho giáo viên ở địa phương. Đây là tình cảm, tấm lòng của người lao động trên địa bàn dành cho các giáo viên. Sau khi hoàn thành, nhà lưu trú sẽ là nơi để các thầy cô an cư, yên tâm bám các vùng sâu, vùng khó để gieo chữ cho học sinh dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn của Đà Nẵng”, ông Minh nói.
Quê ở Quảng Bình, 4 năm gắn bó với trường Tiểu học xã Hòa Bắc là 4 năm cô Nguyễn Thị Như Ngọc (SN 1995) phải đi thuê trọ để đảm bảo công tác. Mỗi năm, nhà trường sẽ luân chuyển giáo viên ở các điểm trường, bởi vậy, Ngọc lại phải tìm trọ để chuyển cho tiện đi lại.
“Điểm trường nào cũng cách khu vực trung tâm xã khá xa. Mùa mưa, việc đi lại rất khó khăn, vất vả, chưa kể đến việc chạy lụt khi mùa lũ về.
Dọn về nhà lưu trú, chúng tôi rất an tâm khi có nơi ở khang trang, đầy đủ tiện nghi, vật dụng. Đây là nguồn động viên lớn cho những giáo viên vùng xa như chúng tôi tiếp tục nỗ lực, gắn bó”, cô Ngọc nói.