Hơn 10 nhóm vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công
Nhiều dự án đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, nhưng theo quy định là dự án nhóm A, phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư
Chiều 2-10, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp tổ chức phiên giải trình về Tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Chịu trách nhiệm giải trình là Bộ trưởng Bộ KH-ĐT và Bộ trưởng Bộ Tài chính. “Chia lửa” với hai Bộ trưởng có lãnh đạo các Bộ: GTVT, NN-PTNT, Y tế, GD-ĐT, LĐ-TB-XH, Xây dựng.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành phố chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng nằm trong đối tượng giải trình.
Mất 2 năm mới xong nghị định
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực (ngày 1-1-2015), Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, triển khai xây dựng, ban hành 7 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Công tác hoàn chỉnh các Nghị định hướng dẫn còn kéo dài gần 2 năm, bắt đầu từ tháng 2-2015 (nghĩa là sau 6 tháng Luật Đầu tư công được thông qua) cho đến tháng 12-2016 mới hoàn thành.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn, thực tế đã phát sinh vấn đề liên quan đến công tác quản lý đầu tư công; được dư luận quan tâm và các ĐBQH chất vấn các thành viên Chính phủ như về trình tự, thủ tục; vấn đề giao kế hoạch vốn; vấn đề giải ngân...
Trước những khó khăn, thách thức liên quan đến đầu tư công trong nửa đầu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017; căn cứ tình hình thực tế tốc độ giải ngân vốn đầu tư công các tháng đầu năm đạt thấp, Bộ KH-ĐT đã được giao chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo trình tự rút gọn.
Thủ tục vẫn bất cập
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện Luật Đầu tư công - một luật mới, ban hành lần đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư công, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương – cũng đã bộc lộmột số khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử, một số dự án có tỷ lệ cấu phần xây dựng nhỏ (như dự án mua tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin) nhưng lại được phân loại là dự án có cấu phần xây dựng, phải thực hiện các quy trình, thủ tục như một dự án xây dựng nên mất nhiều thời gian để hoàn chỉnh thủ tục trong khi tỷ lệ cấu phần xây dựng trong các dự án này là không đáng kể.
Tiêu chí phân loại dự án nhóm A là một vướng mắc khác, nhiều dự án đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, nhưng theo quy định là dự án nhóm A, phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, quy trình thủ tục thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án là rất phức tạp, qua nhiều cấp quản lý, mất nhiều thời gian.
“Rất nhiều địa phương, đặc biệt là những địa phương có nhiều di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam kiến nghị sửa đổi quy định phân loại dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt”, ông Dũng báo cáo.
Bên cạnh đó, một số dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) có tổng mức đầu tư thuộc phân loại dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công nhưng phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia chiếm tỷ lệ rất thấp, phải thực hiện quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư như một dự án sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước là không khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư.
Thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh do cấp huyện, cấp xã quản lý cũng nhiều bất cập, nhất là đối với những dự án sử dụng đa nguồn vốn, của cả cấp tỉnh, huyện, xã. Theo đó, cần có sự tham gia phê duyệt chủ trương dự án của cả 3 cấp Hội đồng nhân dân (đối với dự án nhóm B và nhóm C trọng điểm) hoặc Ủy ban nhân dân (đối với dự án nhóm C thông thường), làm tăng thủ tục hành chính, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án...
Ngoài ra,qua thực tế triển khai thực hiện, đã phát sinh một số điểm còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường quy định: Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư được phê duyệt là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công, hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ yêu cầu báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường. Sự quy định khác nhau trên đã gây khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, dự án quan trọng quốc gia.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hon-10-nhom-vuong-mac-trong-thuc-hien-luat-dau-tu-cong-472814.html