Hơn 10 tấn thuốc phòng dịch bệnh sau lũ đã đến với bà con vùng cao
Khi mưa lũ rút cũng là thời điểm nguy cơ dịch bệnh tăng lên, đe dọa sức khỏe cộng đồng, chính vì vậy, việc kịp thời mang những liều thuốc thiết yếu đến với bà con vùng lũ lụt vô cùng ý nghĩa.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau bão lũ, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. Cùng đó, người dân thiếu nước sạch sinh hoạt, sử dụng nguồn thực phẩm không đảm bảo làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh. "Chính vì vậy, nguy cơ cao xảy ra các dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, cảm cúm, da liễu, đau mắt đỏ, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy…", ông Tâm cho hay.
"Với những dịch bệnh có thể bùng phát sau bão lũ, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương, lực lượng y tế dự phòng cấp phát thuốc thiết yếu như thuốc nhỏ mắt phòng đau mắt đỏ, thuốc tiêu chảy, sát trùng, băng bông cá nhân, thuốc hạ sốt… Hiện nay, các tỉnh miền Bắc chịu thiệt hại rất nặng nề, nguồn ngân sách cũng hạn hẹp, vì vậy rất cần sự chung tay của cộng đồng, các doanh nghiệp để cấp phát thuốc thiết yếu cho người dân", ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Bộ Y tế cùng Công đoàn Y tế Việt Nam, các cơ quan quản lý y tế địa phương phối hợp các doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ ứng cứu sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân vùng lũ.
Trong những ngày qua, chạy đua với thời gian hệ thống FPT Long Châu đã nỗ lực điều động 10 tấn thuốc thiết yếu gửi tới các địa phương hỗ trợ người dân bảo vệ, ứng phó với những căn bệnh nguy hiểm có thể mắc phải sau thời điểm mưa, lũ.
Đơn vị này chủ động cử nhân sự đến từng địa bàn để xem xét tình hình và phối hợp cùng Bộ Y tế, các Sở y tế địa phương nhanh chóng điều động 10 tấn thuốc, trị giá 2,5 tỷ đồng (gồm các loại thuốc cảm cúm, tiêu chảy, bệnh ngoài da, cloramin B...) vận chuyển tốc hành ngay trong đêm đến với người dân tại các vùng lũ lụt trọng điểm như: Lào Cai. Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang... Điều đó đã góp phần ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh có thể bùng phát phức tạp sau lũ.
Trước đó, tại mỗi địa phương, đơn vị cũng đã khẩn trương triển khai sơ cứu và phát thuốc miễn phí tại các nhà thuốc ở 24 tỉnh thành. Đồng thời, chuỗi hoạt động thiện nguyện "thần tốc" liên tục diễn ra tại các Nhà thuốc FPT Long Châu khu vực miền Bắc để phát quà thiện nguyện cho người dân với phần quà bao gồm các loại thuốc thiết yếu, nước uống, vitamin...
Bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc điều hành FPT Long Châu chia sẻ: "Sau bão lũ, dịch bệnh sẽ tiếp tục hoành hành và để lại nhiều hậu quả. Vậy nên, ngoài hoạt động cấp thiết lần này, FPT Long Châu còn tiến hành hợp lực cùng các đơn vị để tiếp tục đồng hành và triển khai nhiều chương trình chăm sóc, đồng hành cùng người dân tái thiết và ổn định sức khỏe sau bão, lũ. Đây là sứ mệnh lâu dài và chắc chắn chúng tôi không thể thực hiện được một mình mà cần nhiều tổ chức, ban ngành cùng vào cuộc. Dù là hình thức nào thì Long Châu cũng sẽ tận dụng độ phủ của mình ở 63 tỉnh thành để làm mạng lưới hiệu quả".