Hơn 100.000 học sinh ở Hà Nội sắp thi thử tốt nghiệp THPT 2024
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với học sinh lớp 12 trong hai ngày 5-6/4.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố trong hai ngày 5 và 6/4. Đối tượng tham gia khảo sát là học sinh lớp 12 năm học 2023 - 2024 đang học tập tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các quận, huyện, thị xã. Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố hiện có khoảng 101.000 học sinh lớp 12.
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát 5 bài kiểm tra với cấu trúc, dạng thức làm bài tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Cụ thể, 5 bài kiểm tra gồm: Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân); trong đó môn Ngữ văn làm bài theo hình thức tự luận; các môn còn lại làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Theo VTV việc tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố đã được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức nhiều năm qua và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của học sinh, phụ huynh. Kết quả khảo sát không sử dụng làm điểm kiểm tra, đánh giá học sinh.
Thực tế ghi nhận cho thấy, dù kết quả khảo sát không sử dụng làm điểm kiểm tra, đánh giá học sinh, song các học sinh đều nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng đợt khảo sát này đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT nên các em tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan và có nhiều cố gắng trong quá trình làm bài.
Thông qua kỳ khảo sát, các nhà trường đã kịp thời có sự điều chỉnh trong tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ, từ đó góp phần nâng tỉ lệ tốt nghiệp THPT.
Nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trường THPT Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, Tp.Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và tổ chức ôn tập cho các học sinh lớp 12 ngay sau khi kết thúc chương trình của học kỳ 1. Để việc ôn tập đạt được hiệu quả, nhà trường tổ chức các lớp ôn tập theo học lực của từng nhóm học sinh.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên VOV ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái, dù tỉ lệ tốt nghiệp của trường đạt 100%, nhưng điểm thi trung bình môn tiếng Anh lại thấp hơn điểm thi trung bình của thành phố. Vì thế, trong năm nay, cùng với đặt mục tiêu giữ ổn định thành tích thi tốt nghiệp như năm ngoái, nhà trường cũng đặt mục tiêu cải thiện điểm số môn tiếng Anh cho các học sinh.
"Nhà trường đã phối hợp với cha mẹ học sinh thống nhất có những kế hoạch ôn tập cho các em. Ngoài những buổi chính khóa trên lớp ra thì còn những buổi phải tăng cường, tăng tiết ôn tập các môn Toán, tiếng Anh, Ngữ văn, rồi các khối Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội để đảm bảo việc điều kiện thi tốt nhất", ông Thành cho hay.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay thành phố có khoảng 102 nghìn học sinh lớp 12 đang học tập tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 6 tới. Cùng với việc tổ chức ôn tập tại các nhà trường, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố trong hai ngày 5 và 6/4, nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở sẽ tổ chức chức khảo sát 5 bài kiểm tra gồm Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và tiếng Anh với cấu trúc, dạng thức làm bài tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
"Chúng tôi đánh giá rất cao các kỳ thi khảo sát. Năm nay khảo sát cả lớp 11 và lớp 12. Kết quả khảo sát này là một trong những căn cứ tốt nhất để có thể xác định rằng thứ bậc các bộ môn của các em học sinh đang đứng ở đâu và cần giải pháp gì, để chúng tôi tập trung chuyên môn, tập trung các thầy giáo cô giáo, tập trung các phương pháp tốt nhất giúp cho việc đào tạo các em học sinh", ông Cương nói.
Các học sinh lớp 12 sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là lứa học sinh cuối cùng học và thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Thông qua kỳ khảo sát, Sở GD&ĐT Hà Nội kỳ vọng các nhà trường sẽ kịp thời có sự điều chỉnh trong tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ, từ đó góp phần nâng tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trúc Chi (t/h)