Hơn 100 doanh nghiệp châu Âu ký cam kết phát triển AI có trách nhiệm

Ngày 25/9, Ủy ban châu Âu (EC) công bố danh sách hơn 100 công ty đầu tiên tham gia ký kết Hiệp ước Trí tuệ nhân tạo tự nguyện của Liên minh châu Âu.

Theo Reuters, những bên ký kết gồm các tập đoàn đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, viễn thông, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng, ô tô và hàng không.

Các công ty tham gia Hiệp ước Trí tuệ nhân tạo (AI) tự nguyện cam kết thực hiện ít nhất 3 hành động quan trọng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định và phát triển AI có trách nhiệm.

Đầu tiên, các công ty sẽ xây dựng chiến lược quản trị AI, đề xuất các biện pháp thúc đẩy ứng dụng AI trong tổ chức và chuẩn bị cho việc tuân thủ đầy đủ Đạo luật AI trong tương lai. Tiếp đến là lập danh sách để xác định các hệ thống AI tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Cuối cùng, các công cam kết nâng cao nhận thức về AI, thông qua việc đào tạo nhân viên về trách nhiệm và đạo đức trong phát triển AI.

Ngoài ra, hơn một nửa trong tổng số các công ty tham gia, đã cam kết thực hiện thêm các biện pháp bổ sung bao gồm đảm bảo giám sát của con người, giảm thiểu rủi ro và dán nhãn rõ ràng cho các nội dung do AI tạo ra, đặc biệt là các công nghệ như minh bạch.

Hơn 100 doanh nghiệp châu Âu cam kết phát triển AI có trách nhiệm.

Hơn 100 doanh nghiệp châu Âu cam kết phát triển AI có trách nhiệm.

Giới phân tích nhận định, động thái này đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn diện và minh bạch cho lĩnh vực AI tại EU.

Hiệp ước AI nhằm hỗ trợ các công ty trong việc tuân thủ Đạo luật AI của EU, dù đạo luật này chưa chính thức có hiệu lực đầy đủ. Mục tiêu của hiệp ước là khuyến khích các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng các nguyên tắc của Đạo luật AI, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa Văn phòng AI của EU với các bên liên quan, bao gồm cả các công ty, tổ chức xã hội dân sự và các học viện.

Hiện các công ty có thể tham gia Hiệp ước AI bất cứ lúc nào cho đến khi Đạo luật AI chính thức có hiệu lực hoàn toàn. Đạo luật AI đã có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua với một số điều khoản đã được triển khai. Toàn bộ đạo luật sẽ có hiệu lực đầy đủ sau 2 năm tới.

Sự ra đời của ChatGPT - một chatbot AI do OpenAI phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022, đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua công nghệ giữa các công ty công nghệ để tung ra những công cụ AI tạo sinh tương tự. Chính sự phổ biến chóng mặt của các công cụ như vậy đã khiến các nhà lập pháp tại Mỹ và hàng loạt chuyên gia công nghệ kêu gọi cần có những điều chỉnh kịp thời để kiểm soát AI.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hon-100-doanh-nghiep-chau-au-ky-cam-ket-phat-trien-ai-co-trach-nhiem-33768.html