Hơn 100 doanh nghiệp địa ốc giải thể mỗi tháng
Trong năm 2023, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 4.725 doanh nghiệp thành lập mới và 1.286 doanh nghiệp giải thể. Trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc rời bỏ thị trường.
Năm vừa qua là giai đoạn đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản. PGS.TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó việc tiếp cận vốn vay tín dụng vẫn khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu vốn cho việc triển khai các dự án.
Doanh nghiệp kiệt sức
Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư lung lay cũng ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản của họ.
Ngoài ra, các biến động của tỉ giá ngoại tệ, giá vật liệu xây dựng... làm gia tăng chi phí đầu tư, gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, vấn đề pháp lý cũng là một thách thức đối với nhiều dự án bất động sản đang gặp vướng liên quan đến định giá đất, quy hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư và thẩm quyền chuyển nhượng dự án.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhận định rằng, năm vừa qua thị trường đã chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
Đánh giá thị trường trong thời gian tới, ông Đính cho rằng, nửa đầu năm 2024 thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự “ra đi” của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua.
Kỳ vọng bức tranh tươi sáng hơn
Bước sang năm 2024, mặc dù thị trường được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cũng như tác động của luật mới sẽ góp phần vực dậy thị trường.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Trưởng Ban điều hành VARS tại Hải Dương cho biết, đến cuối năm 2023 cùng với sự hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ, thị trường bất động sản đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, lượng giao dịch tăng lên rõ rệt và lượng môi giới quay lại thị trường cũng tăng đáng kể.
Đặc biệt, đội ngũ môi giới quay trở lại thị trường đều là đối tượng yêu nghề và có uy tín. Tuy nhiên, trong năm 2024, ông Lợi dự đoán thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với người làm nghề môi giới, kinh doanh bất động sản.
Để vượt qua những khó khăn thử thách của thị trường, ông Lợi cho rằng, môi giới cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành những chuyên gia trong nghề và đạt những thành công như mong đợi.
TS. Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch HĐQT Gooroo Group cho thấy, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen của thị trường bất động sản trong năm 2024, các sàn giao dịch cũng như nhà môi giới cần áp dụng nguyên tắc kinh doanh “tìm khách hàng trước khi bán hàng”.
Để thực hiện điều đó, môi giới bất động sản cần phải rèn luyện, nâng cấp chuyên môn. Cùng với đó, tập trung kiến thức bổ trợ về tài chính, pháp lý, khả năng quản trị, truyền thông… nhằm tiếp cận và tư vấn cho khách hàng.
Các chuyên gia dự báo rằng, năm 2024 địa ốc vẫn khó về nguồn cung, thanh khoản nhưng sẽ là giai đoạn bản lề cho sự chuyển mình từ năm 2025. Bởi đây chính là thời điểm các hai bộ luật bất động sản mới được thông qua có hiệu lực.
Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/hon-100-doanh-nghiep-dia-oc-giai-the-moi-thang.html