Hơn 100 hộ dân khốn khổ vì dự án khu thương mại Trường Xuân
Chủ đầu tư làm dự án hàng chục ngàn mét vuông nhưng chỉ bồi thường cho người dân với giá rất rẻ.
Sau hơn 10 năm được chấp thuận chủ trương, dự án trên vẫn ngổn ngang, khiến hơn trăm hộ dân nằm trong vùng quy hoạch sống dở, chết dở, ở chẳng được mà đi cũng chẳng xong.
KHU “Ổ CHUỘT” VEN TỈNH LỘ 923
Dự án khu thương mại (KTM) Trường Xuân nằm cặp tỉnh lộ 923 (thuộc xã Trường Xuân, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) được UBND TP.Cần Thơ chấp thuận giao cho chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư xây dựng Phát Đạt (gọi tắt Công ty Phát Đạt) vào tháng 1-2008.
Đến tháng 3-2008, UBND TP.Cần Thơ ban hành Quyến định số 551/QĐ-UBND về việc thuận quy hoạch đất có diện tích 43.000 m2 để Công ty Phát Đạt đầu tư xây dựng KTM Trường Xuân.
Đến tháng 11-2008, UBND TP.Cần Thơ ban hành Quyết định số 2955/QĐ-UBND về việc thu hồi phần đất có diện tích 33.517m2 do các hộ sử dụng. Tháng 10-2009, UBND H.Thới Lai ban hành Quyết định số 3737/QĐ-UBND về việc phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình KTM Trường Xuân, với tổng số tiền hơn 19,3 tỷ đồng.
Đến tháng 5-2013, UBND TP.Cần Thơ ban hành Quyết định số 1601/QĐ-UBND về việc thuận giao đất đợt 1 cho Công ty Phát Đạt có diện tích hơn 26.000 m2, trong đó có hơn 7.600 m2 đất công do Nhà nước quản lý để đầu tư xây dựng KTM Trường Xuân.
Trong đơn gửi cầu cứu Báo Công an TPHCM, các hộ dân cho rằng, khi nghe dự án sắp triển khai họ rất vui mừng vì đem đến sự thay đổi bộ mặt của vùng quê, làm cho đời sống biết bao gia đình được cải thiện. Tuy nhiên, từ việc sai sót trong thủ tục chọn chủ đầu tư và bồi thường còn quá nhiều vướng mắc, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
“Chúng tôi thấy dự án chưa mang lại lợi ích gì nhưng lại gây thiệt hại lớn, vì diện tích đất nằm trong diện thu hồi không thể chuyển nhượng, thế chấp, nhà ở xuống cấp không thể sửa chữa” - người dân trình bày trong bức xúc.
Tìm về nơi đây, phóng viên thấy một xóm nhà lụp xụp, đường sá lầy lội và cỏ mọc um tùm. Ông Lương Quang Dũng cho biết, ông sở hữu mảnh đất diện tích 290m2. Hiện phần đất này được cất nhà ở và mở cơ sở cửa sắt. Vào năm 2009, ông xin chuyển mục đích sử dụng đất từ cây lâu năm lên thổ cư nhưng không được.
“Ban đầu Công ty Phát Đạt có mời những hộ dân qua UBND xã Trường Xuân nhận tiền đền bù với giá từ 89.500- 96.500 đồng/m2. Tổng số tiền đất và vật kiến trúc gia đình nhận chỉ 165 triệu đồng. Lúc đó, chúng tôi có thắc mắc: “Nếu nhận số tiền này sẽ đi đâu và làm gì để sống, trong khi tái định cư không có?”. Công ty trả lời rằng chỉ biết nhận đất còn việc tái định cư là của UBND huyện” – ông Dũng trình bày. Vài tháng sau, ông Dũng cùng nhiều hộ dân nhận được văn bản của công ty gửi đến kêu lên nhận tiền.
Nhà tole đang rỉ sét, dột, tường bong tróc, nền bị sụp lún, bà Nguyễn Thị Đẹp cho biết: “Năm 2006, gia đình về đây mua đất với giá 8 cây vàng và bỏ thêm 150 triệu đồng cất nhà. Họ bồi thường có 143 triệu đồng và không cấp nền tái định cư sao mình nhận được. Hiện gia đình 3 thế hệ gồm 6 người sống trong căn nhà dột nát, gió đến không dám ở. Ngoài ra ống cống không thể nâng cấp nên nước ngập gây hôi thối”.
Cách nhà bà Đẹp không xa là nhà ông Đoàn Văn Đồng. Đất ông này có diện tích 110m2 thổ cư được mua lại từ năm 2002 với giá 14 cây vàng. Sau đó ông Đồng bỏ ra 20 cây vàng để cất căn nhà ở. Đất ông bị quy hoạch và công bố giá bồi thường 166 triệu đồng, thấp hơn tiền mua đất trước đó.
“Mỗi lần mưa là đem 6 cái thau ra hứng nước và che cao su suốt. Hiện gia đình có 6 thành viên sống trong căn nhà chẳng khác ổ chuột. Chúng tôi cũng chấp nhận triển khai dự án nhưng với điều kiện là bồi thường thỏa đáng và có tái định cư, còn không triển khai phải xóa quy hoạch” – ông Đồng nói.
MỖI LẦN SỬA LÀ BỊ NGĂN CẢN
Sau bao năm làm ăn, đến nay gia đình tích lũy được 400 triệu đồng nhưng không thể sửa hoặc cất nhà mới. Bà Nguyễn Thị Phương (58 tuổi) bức xúc nói: “Mỗi lần mưa xuống là nhà bị ngập tới đầu gối, 7 người trong nhà khỏi ngủ. Căn nhà cất nay đã lâu nên mục chân, tường rớt từng mảng mà không thể sửa vì kêu thợ đến là bị chính quyền ngăn cản, lập biên bản. Do vậy đầu mùa mưa này vợ chồng đi mua sắt về nẹp ở tạm. Mỗi lần mưa đến là cả nhà chui xuống bàn bi da để lánh vì sợ sập. Chúng tôi sống trong khu quy hoạch giờ ở chẳng được mà đi cũng chẳng xong”.
Gia đình 8 hộ với 40 nhân khẩu nhưng chỉ được chủ đầu tư bố trí 1 nền tái định cư, anh Huỳnh Hữu Thuận - chủ cơ sở kinh doanh phế liệu – bức xúc nói: “Gia đình có mảnh đất gần 4.000m2. Sau dự án cầu đất còn lại 1.300 m2. Trên đất có vườn xoài và ao cá cho huê lợi mấy chục triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên khi dự án khu thương mại triển khai bơm cát khiến khu đất bị bỏ hoang. Hiện nay, xây dựng cái gì cũng bị ngăn cản nên không phát triển kinh tế được, giống như triệt hạ đường sống”.
Ông Nguyễn Thanh Danh - Chủ tịch UBND H.Thới Lai - cho biết: “Nguyên nhân khiến dự án kéo dài là do một số hộ dân không đồng tình với giá bồi thường và năng lực của chủ đầu tư yếu. Những công việc không vướng mặt bằng địa phương đôn đốc rất nhiều lần nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Cụ thể là đường số 7, đường cặp mé sông kêu láng nhựa, câu điện nước để cho người dân tái định cư về nhưng chỉ tập trung 2 con đường cạnh nhà lồng.
Khi thấy lịch đi kiểm tra là cho vài công nhân vô làm, ngày sau vô vắng tanh. Trong hơn 7.000m2 đất công, số tiền bồi thường vật liệu kiến trúc 1,2 tỷ đồng mà nhiều lần Thanh tra Nhà nước xuống làm việc chủ đầu tư mới nộp vô ngân sách. Phần đất này chủ đầu tư bơm cát lên rồi cũng để đó”.
Trước câu hỏi của phóng viên việc dự án “bất động” trong thời gian dài vậy địa phương có cách gì để người dân cải thiện cuộc sống? Ông Danh cho biết: “Khi nào khu 1 hoàn thành sẽ tiến hành họp tính khu 2. Nếu xét thấy nhà đầu tư không có năng lực sẽ đề nghị thành phố thu hồi dự án giao lại cho nhà đầu tư khác. Nhà đầu tư có tiếp tục làm cũng phải điều chỉnh lại giá bồi thường chứ không thể áp giá cách nay 10 năm. Họ làm với giá đó người dân không ai chịu, vậy thì sao giải phóng mặt bằng được. Quan điểm của tôi là cắt khu 2” – ông Danh lặp lại nhiều lần và nhấn mạnh.
Bà Tô Ngọc Hương – Giám đốc Công ty Phát Đạt cho biết: “Tôi có đầy đủ năng lực và giao gì đều hoàn thành hết. Một số hộ dân lấy tiền đền bù nay mua đất ở nơi khác bây giờ đã giàu hết rồi. Công ty 12 năm đóng lãi ngân hàng. Hiện số nền hoàn thành cơ sở hạ tầng, có giấy đỏ tôi đã bán hết. Nền ngang 4,5m, dài 16m với giá 450 triệu đồng”. Bà Hương còn cho biết thêm sau khi làm xong khu 1 sẽ tiến hành làm khu 2 và vẫn bồi thường với giá cũ vì giá dự án không thể phá vỡ.
“Tại vì tôi đã đền bù mà người dân không nhận tiền. Tuy giá bồi thường thấp nhưng cho người dân cái quyền lợi là tái định cư, vị trí chợ(!). Giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty 50 tỷ đồng và tổng kinh phí thực hiện dự án là 87 tỷ đồng” – bà Hương nói.
Ông Nguyễn Vũ Linh – Phó giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất H.Thới Lai: Dự án KTM Trường Xuân có 2 khu, tổng diện tích khoảng 44.000m2 với 169 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay khu 1 diện tích hơn 26.000m2 thì còn lại 7 hộ chưa bàn giao nền, với diện tích hơn 1.200m2. Hiện khu này đã xây dựng được nhà lồng chợ, đường 5A, 5B, 7, một phần đường số 5 và 6. Khu 2 có 96 hộ dân bị ảnh hưởng, với diện tích hơn 18.000m2. Đến nay đã có 48 hộ gồm cán bộ, giáo viên nhận tiền vì đa số ở khu tập thể, còn những hộ gốc chưa có ai nhận tiền.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thong-tin-ban-doc/hon-100-ho-dan-khon-kho_80743.html