Hơn 100 lá đơn xin thoát nghèo ở huyện xa nhất của Thanh Hóa

Mường Lát là huyện biên giới nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, có nhiều dân tộc sinh sống. Hai năm qua, bằng sự nỗ lực phát triển kinh tế, địa phương này đã có hơn 100 hộ dân xin ra khỏi hộ nghèo.

Huyện Mường Lát là địa danh xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, nằm cách trung tâm tỉnh khoảng 250km về phía Tây, giáp Lào. Đây là nơi sinh sống của 6 đồng bào dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 40%, cũng là dân tộc đông nhất của cả huyện.

Trước đây, gia đình anh Tặng Văn Sinh (SN 1989), ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, thuộc diện hộ nghèo. Bằng nỗ lực của mình, anh đã cải tạo đất đồi trồng 1ha cam. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi bò, gà, lợn, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng.

Anh Sinh chăm sóc vườn cam của gia đình. Ảnh: Minh Khôi

Anh Sinh chăm sóc vườn cam của gia đình. Ảnh: Minh Khôi

Nhận thấy gia đình đã có nguồn thu ổn định, anh Sinh viết đơn lên xã xin ra khỏi diện hộ nghèo. Không những thế, anh còn vận động 8 gia đình khác trong bản cùng thoát nghèo.

Bà Đặng Thị Chuộng (SN 1975) chia sẻ, mấy năm nay, các thành viên trong gia đình bà đều đã tìm được việc làm. Chồng đi hái cà phê thuê trong Đắk Lắk, con cái đi làm công ty ở các tỉnh phía Bắc, thu nhập cũng ổn định. Bản thân bà ở nhà chăn nuôi, trồng sắn nên không còn thiếu ăn nữa nên đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

“Sau khi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ cây giống, con giống để phát triển kinh tế. Hiện nhà tôi có 10 con dê, 5 con lợn và hơn 50 con gà”, bà Chuộng kể.

Lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của gia đình anh Sinh. Ảnh: Minh Khôi

Lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của gia đình anh Sinh. Ảnh: Minh Khôi

Ông Vi Văn Thứ, Phó chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết, trước đây đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nương rẫy.

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nâng cao tinh thần tự lực tự cường trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến tự chủ làm giàu chính đáng.

Các cấp chính quyền đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành 10ha đất trồng cam Lào, hàng trăm hecta trồng sắn, ngô. Ngoài ra, có hơn 200 người dân địa phương đi làm ăn xa. Đáng chú ý, trên 90% gia đình đã sở hữu tivi, tủ lạnh, xe máy..., kéo tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,66%.

Nhờ biết làm ăn kinh tế, mà gia đình anh Sinh đã có của ăn của để. Ảnh: Minh Khôi

Nhờ biết làm ăn kinh tế, mà gia đình anh Sinh đã có của ăn của để. Ảnh: Minh Khôi

Theo thống kê của UBND huyện Mường Lát, từ năm 2023 đến nay, toàn huyện có hơn 100 lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo, tập trung nhiều ở 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm, năm 2024 còn 25,85%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,9 triệu đồng/người/năm.

Bản làng huyện Mường Lát đang dần đổi thay. Ảnh: Minh Khôi

Bản làng huyện Mường Lát đang dần đổi thay. Ảnh: Minh Khôi

Ông Triệu Minh Xiết, Phó bí thư Huyện ủy cho biết, xác định “xóa nghèo từ tư duy” để hướng đến giảm nghèo về kinh tế, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, tránh phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước.

“Thay đổi lớn nhất là trên địa bàn huyện là có nhiều mô hình kinh tế phát triển”, ông Xiết nói.

Cũng theo ông Xiết, từ năm 2022-2023 huyện đã giảm được việc xin gạo cứu trợ. Năm 2024 là năm đầu tiên sau gần 30 năm thành lập huyện, Mường Lát không phải xin tỉnh cấp gạo cứu đói mùa giáp hạt.

Lê Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hon-100-la-don-xin-thoat-ngheo-o-mot-huyen-vung-cao-thanh-hoa-2385146.html