Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết 'Giảm phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050'.

Vừa qua, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra Hội thảo lần thứ 4 về Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý môi trường - ICEPORM 2024.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Hoàng Chung Thẩm - Đại học Auburn (Mỹ), Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết, con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. Vấn đề này càng trở nên đáng quan tâm hơn đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đang sống hoàn toàn dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản của hệ sinh thái tự nhiên. Do đó, bảo vệ môi trường để duy trì cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo chức năng của hệ sinh thái phục vụ sự sống là việc làm rất cần thiết.

Để giải quyết được vấn đề môi trường một cách trọn vẹn, theo Giáo sư Hoàng Chung Thẩm, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ sở sản xuất tư nhân, nhà máy công nghiệp để tìm ra giải pháp chung, phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững. Giáo sư Hoàng Chung Thẩm nhấn mạnh, Hội thảo là cơ hội để các đại biểu cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, thảo luận các vấn đề môi trường để tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. Ảnh: Thanh Tùng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. Ảnh: Thanh Tùng.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, sau 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam đã không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã và đang tạo áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường một số nơi suy giảm mạnh, hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng tại một số vùng... tác động đến đời sống sinh kế của người dân, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề này đã và đang cản trở việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

“Nếu hành động chậm chễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên”, Thứ trưởng Lê Công Thành nói.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế. Ảnh: Thanh Tùng.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế. Ảnh: Thanh Tùng.

Thứ trưởng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế trong Hội thảo này dành nhiều thời gian chia sẻ, trao đổi thẳng thắn những vấn đề về khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm tại Việt Nam hiện nay.

Trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để cùng nhau tìm ra lời giải đáp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Kim Ngân

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hon-100-nha-khoa-hoc-cung-giai-bai-toan-o-nhiem-tai-viet-nam-85812.html