Hơn 119.000 doanh nghiệp 'khai sinh' trong 6 tháng
Sáu tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 110.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,3% so với năm trước; hơn 119.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 119.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023).
Dù số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn lớn, nhưng tín hiệu tích cực hơn đã xuất hiện. Từ tháng 5/2023, lượng doanh nghiệp “khai sinh” đã nhiều số hơn “khai tử”. Xu hướng này tiếp tục nối dài sang tháng 6, với hơn 15.700 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi 13.000 doanh nghiệp rút lui.
Tính chung 6 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 1,5 triệu tỷ đồng (giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023). Cả vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đều sụt giảm.
Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 74,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 92,3%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023). Lĩnh vực dịch vụ chiếm áp đảo, với hơn 60.600 doanh nghiệp mới.
Các doanh nghiệp tạo ra hơn nửa triệu việc làm trên cả nước, với tổng lao động đăng ký từ doanh nghiệp thành lập mới là hơn 511 người, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, về phía doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phần lớn nhóm này (64,7%) chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ chờ làm thủ tục giải thế, và đã giải thế cao nhất.
Đáng chú ý, phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 6 tháng năm có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm).
Trong buổi chia sẻ với báo chí tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đang giao cho Tổng cục Thống kê khảo sát thực tế hoạt động doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm, tình trạng trả cửa hàng, cửa hiệu, trả mặt bằng... để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Ông Dũng lo ngại doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn, không đủ sức để lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ông Dũng cho biết, doanh nghiệp Việt không dễ tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của nhà đầu tư ngoại, bởi gặp khó trong việc tiếp cận công nghệ lõi (trong tay tập đoàn lớn), hay chuỗi cung ứng đã có sẵn quan hệ với nhau. Theo đó, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ từ Nhà nước.
Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành, tại diễn đàn kinh doanh 2024 mới đây do VCCI tổ chức, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) - cũng thẳng thắn chỉ ra, doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn.
Bà Hương phản ánh, có những chính sách hiện hành gây khó cho doanh nghiệp nội. Đơn cử, những doanh nghiệp FDI trong khu chế xuất không phải chịu thuế xuất khẩu và thuế VAT, ngược lại, doanh nghiệp Việt khi gia công sản phẩm cho các FDI đầu chuỗi thì luôn phải chịu thuế tạm nhập tái xuất, thuế VAT. Quá trình hoàn thuế VAT thì kéo dài, khó khăn.
“Có những doanh nghiệp Việt phải vay ngân hàng để tạm nộp những khoản thuế mà tôi cho rằng những khoản này không thuộc nghĩa vụ của doanh nghiệp. Đây là một bất công”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, đây cũng là lý do làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với FDI.