Hơn 12,6 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Năm 2009, cả nước chỉ có hơn 5,9 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Nhưng tới năm 2018, con số trên đã nâng lên hơn 12,6 triệu người lao động tham gia (tăng 7,7% so với năm 2017) với 361.000 đơn vị đăng ký BHTN.
Gần 5 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) liên tục tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số tiền thu BHTN năm 2018 là 15.531 tỷ đồng.
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được đặc biệt quan tâm, số lượng và hiệu quả người được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (trên 96,8% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp). Năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.390.429 lượt người, tăng hơn 10 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010. Đến nay đã có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm và ổn định cuộc sống. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương...
Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp gần 5 triệu lượt người và có xu hướng tăng qua các năm. Ngoài ra, người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được cung cấp thông tin về thị trường lao động để tìm việc làm và sớm trở lại thị trường lao động, thẻ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh.
Thể hiện tính nhân văn và thúc đẩy gắn kết xã hội
Đánh giá về việc thực hiện chính sách BHTN trong 10 năm qua, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, chính sách BHTN đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là điểm tựa của cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, qua 10 năm thực hiện BHTN cũng còn không ít những tồn tại như: Vẫn nặng về giải quyết hậu quả mà nhẹ về các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu việc sa thải hoặc duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì việc làm đã có nhưng thiết kế quá khắt khe. Chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ để người lao động duy trì việc làm; đối tượng tham gia BHTN chưa được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.
Phó Cục trưởng Cục Viêc làm Lê Quang Trung cho biết: Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2021 là phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Giai đoạn đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia; Giai đoạn đến năm 2031 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên cũng như thực hiện hiệu quả việc chính sách BHTN trong thời gian tới, theo ông Lê Quang Trung cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN tại Luật Việc làm vào năm 2021- 2022 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN; Nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHTN; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHTN; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHTN.