Hơn 15.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 6 tháng năm 2024, toàn ngành y tế kiểm tra 232.702 cơ sở, phát hiện 15.046 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,46% cơ sở được kiểm tra, giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Bình quân số tiền phạt đối với 1 cơ sở trong 6 tháng năm 2024 là 8,69 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (4,09 triệu đồng).

Trong 6 tháng năm 2024, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 4 vụ (6,1%), số người mắc tăng 1.986 người, số tử vong giảm 1 người.

Nguyên nhân là do đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng lớn người mắc, liên quan đến vi sinh vật (điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột).

Bệnh nhân bị nhiễm sán lá phổi do ăn gỏi cua từng được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân bị nhiễm sán lá phổi do ăn gỏi cua từng được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Các chương trình giám sát an toàn thực phẩm được duy trì, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh; cần có mô hình tuyên truyền hiệu quả hơn, trong đó, chú ý nêu ra các định hướng cụ thể cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm để kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành Y tế.

Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, TP bảo đảm cung ứng 60% nhu cầu thực phẩm, còn lại là nhập từ các địa phương khác và từ nước ngoài. Do đó, việc kiểm tra xuất xứ nguồn gốc là vấn đề quan trọng. Dự kiến, thời gian tới, TP tập trung vào kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học, xung quanh trường học và dịp Tết Trung thu.

Hà Nội tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu.

Hà Nội tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nêu thực trạng về việc khó kiểm tra sản phẩm kinh doanh qua mạng, “khi phát hiện sai phạm nhưng đến kiểm tra thì địa chỉ không đúng hoặc đóng cửa, trang web không hoạt động nữa”.

Đồng quan điểm, đại diện Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, kiểm tra kênh thương mại điện tử còn khó khăn, "nhiều vật tư nông nghiệp được bán qua thương mại điện tử, kể cả sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành". Đây là thách thức đối với quản lý ATTP.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ đang tích cực triển khai chương trình OCOP, theo đó, đã công nhận 12.075 sản phẩm đạt chuẩn "OCOP 3 sao" trở lên, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (10.881 sản phẩm). Bộ đang hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030".

Còn theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua, cơ quan Công an đã quyết liệt kiểm tra về an toàn thực phẩm. 6 tháng đầu năm, các đơn vị trong Công an nhân dân đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3.060 vụ (tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023) với 3.074 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng (trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ khởi tố 1 vụ)...

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hon-15-000-co-so-vi-pham-an-toan-thuc-pham.html