Hơn 2.000 ca mắc sởi, 18 địa phương triển khai gấp chiến dịch tiêm vắc-xin

Tại TP HCM, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận hơn 600 ca sốt phát ban nghi sởi, đã có 3 ca tử vong. Hiện ngành y tế bắt đầu chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin ngừa sởi

Chiều 22-8, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức hội nghị trực tuyến hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 và phát động chiến dịch tiêm vắc-xin sởi.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan kêu gọi cha mẹ đưa con đi tiêm chủng đúng lịch. Ảnh: Nguyễn Nhiên

Bộ trưởng Đào Hồng Lan kêu gọi cha mẹ đưa con đi tiêm chủng đúng lịch. Ảnh: Nguyễn Nhiên

Nhiều vắc-xin được trình tiêm chủng miễn phí

Tại hội nghị, Bộ Trưởng Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các bậc cha mẹ nêu cao tinh thần trách nhiệm, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình; coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.

Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã tiêm miễn phí vắc-xin phòng 11 bệnh truyền nhiễm, gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi - viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, Rubella...

"Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch sử dụng vắc-xin mới như vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, vắc-xin phòng bệnh do phế cầu, vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung do virus HPV và xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác, để có thêm cơ hội phòng bệnh cho người dân"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Hội nghị trực tuyến hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024, chiều 22-8

Hội nghị trực tuyến hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024, chiều 22-8

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Silvia Danailov cho biết đại dịch COVID-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vắc-xin, cũng như công tác tiêm chủng vắc-xin. Điều này tạo ra khoảng trống vắc-xin ở nhiều trẻ em Việt Nam. Thực tế, trong những tháng vừa qua, dịch sởi đã bùng phát ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, đặc biệt là TP HCM.

"Chúng ta cần triển khai kịp thời các biện pháp để kiểm soát dịch sởi, đặc biệt là tiêm chủng vắc-xin. Chúng tôi khuyến khích tất cả các tỉnh thành coi chiến dịch tiêm chủng này là ưu tiên hàng đầu"- đại diện UNICEF nhấn mạnh.

Bắt đầu chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin ngừa sởi

Thông tin về chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết chiến dịch được triển khai tại 18 tỉnh với hơn 100 huyện là những vùng nguy cơ đã được đánh giá. Hơn 1 triệu liều vắc-xin sẽ được tiêm miễn phí.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM điều trị cho trẻ mắc bệnh sởi. Ảnh: TTXVN

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM điều trị cho trẻ mắc bệnh sởi. Ảnh: TTXVN

Số vắc-xin này do Chính phủ Úc tài trợ thông qua WHO. Chiến dịch được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi.

Bộ Y tế đánh giá có 18 tỉnh, thành nằm trong nhóm nguy cơ bùng phát dịch như: TP HCM, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau...

Theo ông Đức, trong chiến dịch đặc biệt này, Việt Nam cũng mở rộng đối tượng tiêm là trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin sởi.

Thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy cả nước ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó tại TP HCM hơn 600 sốt phát ban nghi sởi, số ca dương tính với sởi là 346 và 3 bệnh nhân tử vong có kèm bệnh nền.

Theo Bộ Y tế, để triển khai thành công chiến dịch này, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo sở, ban ngành xây dựng, ban hành kế hoạch tại địa phương, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng, bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Các địa phương cần tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vắc-xin.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường phối hợp với Bộ Y tế trong việc rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hon-2000-ca-mac-soi-18-dia-phuong-trien-khai-gap-chien-dich-tiem-vac-xin-196240822145042856.htm