Hơn 2.400 doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa trong dịp Tết
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 29/1 - 6/2/2022), cả nước có 2.462 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa với tổng số tờ khai là 20.460, cao gần 2 lần so với số tờ khai đăng ký trong dịp Tết Tân Sửu 2021.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch 2022 (từ 29/1 đến 6/2/2022), cả nước có 2.462 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa, gấp 2,56 lần so với dịp Tết Tân Sửu 2021.
Các doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa tại 142 chi cục hải quan và tương đương (tăng 16 chi cục so với dịp tết Tân Sửu 2021) thuộc 34 cục hải quan tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, trong 9 ngày nghỉ Tết Âm lịch vừa qua, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt 3,05 tỷ USD, tăng 83% so với dịp Tết Tân Sửu 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 1,47 tỷ USD, cao gấp 2 lần; nhập khẩu hàng hóa đạt 1,58 tỷ USD, tăng 68% so với dịp Tết Tân Sửu 2021.
Về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước, Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm đến hết ngày 6/2/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước sơ bộ đạt 61,85 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt gần 31,26 tỷ USD, giảm 12,7% và nhập khẩu hàng hóa đạt 30,59 tỷ USD, giảm 8,2%. Như vậy, tính từ 1/1 đến hết ngày 6/2/2022, Việt Nam có thặng dư thương mại hàng hóa là 0,68 tỷ USD.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong dịp Tết Âm lịch 2022, điện thoại các loại, linh kiện điện thoại và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là các mặt hàng có trị giá xuất nhập khẩu đạt cao ở mức lần lượt là 631,3 triệu USD và 398,6 triệu USD...
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang 109 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 400 triệu USD, chiếm 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tiếp theo là các thị trường: Mỹ đạt 347,6 triệu USD (chiếm 23,7%), Hàn Quốc đạt 86 triệu USD (chiếm 5,9%), Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 59 triệu USD (chiếm 4%), Nhật Bản đạt 41,8 triệu USD (chiếm 2,8%)...