Hơn 2 triệu sáng kiến được cập nhật, làm lợi hơn 33.000 tỷ: Thành công nhờ 4 chữ 'đồng'

Với 2.033.669 sáng kiến hợp lệ được phê duyệt trên hệ thống (đạt 203% chỉ tiêu kế hoạch đề ra), góp phần làm lợi ước tính hơn 33.000 tỷ đồng, Chương trình '1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19' do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động đã thành công vượt mong đợi.

Chiều nay (7/10), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Vượt khó, sáng tạo - nâng cao năng suất lao động”, nhằm trao đổi kinh nghiệm lan tỏa tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo và nhân rộng các mô hình, sáng kiến tiêu biểu xuất sắc trong các cấp Công đoàn, cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Đây là hoạt động ý nghĩa trước thềm Lễ tôn vinh điển hình “Sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch” diễn ra vào chiều mai (8/10), trong khuôn khổ tổng kết Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại Tọa đàm.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại Tọa đàm.

Chia sẻ kinh nghiệm về nhân rộng sáng kiến, sáng tạo tại Công ty, ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai) cho biết: Công ty Taekwang Vina có hơn 40 nghìn công nhân lao động, làm việc chủ yếu trong ngành may mặc, giày da…

Được truyền cảm hứng từ khi Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động Chương trình “75 ngàn sáng kiến vượt khó phát triển”, Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Giám đốc Công ty luôn trăn trở làm sao để ghi nhận và phát huy tinh thần sáng tạo của đội ngũ 40 nghìn công nhân lao động, bởi họ chính là những người trực tiếp sản xuất, hiểu về công việc của mình nhất.

Với nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo, Công đoàn Công ty đã ký Biên bản ghi nhớ, trong đó nhấn mạnh tất cả mọi ý kiến cả người lao động sẽ được ghi nhận và tôn trọng với tinh thần “Tất cả việc tốt dù nhỏ nhất cũng phải cố gắng làm, việc không tốt dù nhỏ nhất cũng cố gắng sửa”.

Trên cơ sở đó, người lao động trong công ty chỉ cần đưa ra ý tưởng và gửi về công ty bằng nhiều hình thức (hòm thư, giấy, email, hotline…), tất cả ý kiến đều được xử lý.

Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ kinh nghiệm về nhân rộng sáng kiến, sáng tạo tại Công ty.

Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ kinh nghiệm về nhân rộng sáng kiến, sáng tạo tại Công ty.

“Dù ý tưởng có được sử dụng hay không, những sáng kiến có làm lợi về giá trị vật chất hoặc không thì Công ty và Công đoàn vẫn ghi nhận và khen thưởng. Công ty đã thành lập bộ phận chuyên môn để thẩm định tính khả thi và nghiên cứu triển khai ý tưởng vào thực tiễn. Phong trào đã được công nhân tiếp nhận rất hào hứng và có thêm động lực vì những sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn”, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang cho biết,

Ông Phúc cũng cho biết thêm, hằng tháng, hằng quý và hằng năm, công ty đều khen thưởng, tôn vinh cho những cá nhân tích cực sáng kiến, sáng tạo với mức thưởng từ 5-50 triệu đồng. Từ đó, phong trào cải tiến của công ty được duy trì liên tục.

Tại Công ty TNHH Điện Stanley (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Dần - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, Trưởng phòng Nhân sự Công ty cho biết: Hưởng ứng Chương trình 1 triệu sáng kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngay khi nhận được kế hoạch từ LĐLĐ huyện Gia Lâm, Ban lãnh đạo và Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã nhiệt liệt hưởng ứng, coi đó cũng như là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, với khẩu hiệu hành động “Mọi người cải tiến, từng tổ cải tiến, toàn công ty cải tiến” 100% phòng ban đều thi đua hưởng ứng sôi nổi.

Ông Dần cũng cho biết, trên cơ sở thực tiễn hoạt động, ngay từ khi thành lập, công ty đã rất chú trọng đến vai trò của hoạt động cải tiến, coi hoạt động cải tiến là vũ khí thành công của doanh nghiệp. Để đưa hoạt động cải tiến đi vào chiều sâu, công ty đã thành lập ban chuyên trách quản lý hoạt động cải tiến gồm 2 phòng trực thuộc là Phòng đào tạo cải tiến và Phòng xúc tiến cải tiến với 30 người, cán bộ quản lý đều là những người có kinh nghiệm về hoạt động sản xuất, được đào tạo tại công ty mẹ ở Nhật Bản, các thành viên được lựa chọn đều là những nhân viên ưu tú đại diện cho các phòng ban, phân xưởng.

Ông Nguyễn Văn Dần - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Điện Stanley (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình.

Ông Nguyễn Văn Dần - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Điện Stanley (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình.

Nhờ đó mà ban cải tiến có thể nắm được các quy trình, nghiệp vụ của nhiều phòng ban chuyên môn trong công ty, từ đó có thể hướng dẫn các phòng ban thực hiện các hoạt động cải tiến nhằm nâng cao năng suất lao động, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Ghi nhận những ý kiến tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, đến nay Chương trình 1 triệu sáng kiến đã hoàn thành xuất sắc. Đây là kết quả hoạt động của sự bền bỉ, kiên trì, tâm huyết, tự đổi mới do chính người lao động thực hiện.

Kết quả của chương trình có sự hưởng ứng sâu rộng của các cấp Công đoàn và người lao động, đã đưa ra những giải pháp thiết thực, tạo ra mảnh đất màu mỡ để người lao động Việt Nam khẳng định năng lực của mình.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, chương tình thành công là nhờ 4 chữ “đồng”. Đó là: Sự đồng tình của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đơn vị và người lao động; sự đồng thuận của đông đảo người lao động, không chỉ có tâm thế làm việc hiệu quả hơn mà còn vượt quá khó khăn để tiến hành cập nhật sáng kiến, cải tiến; sự đồng hành của người sử dụng lao động có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đã đặt kỳ vọng, niềm tin và có chính sách cho người lao động thoải mái nêu ý kiến và sáng tạo; sự đồng tâm của đội ngũ cán bộ Công đoàn đã không quản ngại khó khăn, nỗ lực cho sự thành công của chương trình trong bất kỳ bối cảnh nào.

Quang cảnh Tọa đàm.

Quang cảnh Tọa đàm.

Ông Trần Thanh Hải cũng cho biết thêm, với sự sáng tạo, áp dụng công nghệ đã đem lại thành công cho Chương trình. Đây là lần đầu tiên công nghệ trợ lực cho các cấp Công đoàn, giúp tiết kiệm thời gian; người lao động chủ động công khai sáng kiến của mình, thông tin minh bạch, ai cũng có thể theo dõi.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý, hơn lúc nào hết, hoạt động công đoàn phải thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Lễ tôn vinh điển hình “Sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch” sẽ diễn ra vào 14h00 chiều mai (8/10/2023) tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Chương trình tôn vinh, biểu dương 33 tập thể và 46 cá nhân xuất sắc tiêu biểu của Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.

Lễ tôn vinh được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

B.Duy - P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hon-2-trieu-sang-kien-duoc-cap-nhat-lam-loi-hon-33000-ty-thanh-cong-nho-4-chu-dong-161281.html