Hơn 200 tài liệu, hiện vật về 'Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc'

Với hơn 200 tài liệu và hiện vật, Triển lãm 'Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc' giới thiệu những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu lại trên đất nước Trung Quốc, thể hiện tình hữu nghị cách mạng lâu dài giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Kỷ niệm 100 năm Ngày Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân đến Trung Quốc trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước (11.11.1924 - 11.11.2024); hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950 - 2025), Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng xây dựng nội dung Triển lãm “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc”.

Phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm chiều 11.11, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thông qua trưng bày chuyên đề khẳng định: tình hữu nghị sắt son, bền chặt, kề vai sát cánh trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước giữa Việt Nam - Trung Quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối dày công gây dựng, vun đắp chính là tài sản chung vô cùng quý báu, là nền tảng của sự phát triển. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam - Trung Quốc luôn “kế thừa tốt, bảo vệ tốt, phát huy tốt” tài sản quý báu ấy.

 TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm chiều 11.11

TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm chiều 11.11

“Chúng tôi tin tưởng rằng, trưng bày chuyên đề Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh lần này là một hoạt động văn hóa thiết thực, có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần vun đắp "tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi xanh tươi” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói”, TS. Vũ Mạnh Hà phát biểu.

Nội dung triển lãm gồm 3 phần. Phần 1 với chủ đề “Dấu chân cách mạng - Khơi nguồn hữu nghị” khắc họa hình ảnh những năm 1920, khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến Quảng Châu và Hong Kong vừa tham gia hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa gây dựng lực lượng cách mạng Việt Nam.

 Khách tham quan và tìm hiểu thông tin tại không gian Phần 1 triển lãm

Khách tham quan và tìm hiểu thông tin tại không gian Phần 1 triển lãm

Nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc đều lưu lại những dấu ấn, thể hiện sự phấn đấu không ngừng nghỉ cho sự nghiệp cách mạng của Người, cùng những thời khắc vinh quang kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau của nhân dân hai nước Việt - Trung. Đó chính là sự khởi đầu cho truyền thống tốt đẹp, luôn ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh cách mạng giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Phần 2 với chủ đề “Khắp dải đất Trung Hoa - Khắc sâu tình hữu nghị” chia sẻ lại khoảng thời gian sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, đặc biệt là vào những năm cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đến thăm hữu nghị Trung Quốc, thân mật gặp gỡ, hội đàm và trò chuyện với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Đồng thời, vào những dịp này, Người còn đến thăm các công, nông trường, nhà máy, trường học, khu danh lam thắng cảnh và nghỉ dưỡng ở nhiều nơi.

 Bộ ba chiếc bát ăn cơm bằng men sứ, chậu đồng và đồng hồ quả lắc được Bác Hồ sử dụng trong thời gian hoạt động cách mạng ở Long Châu tháng 8.1944

Bộ ba chiếc bát ăn cơm bằng men sứ, chậu đồng và đồng hồ quả lắc được Bác Hồ sử dụng trong thời gian hoạt động cách mạng ở Long Châu tháng 8.1944

Tình cảm thân thiết như anh em một nhà của Người với Nhân dân Trung Quốc cho đến nay vẫn luôn hiện hữu trong tâm khảm của nhiều người dân nơi đây. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn cuộc đời cho việc thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, là người mở ra cánh cửa quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia và luôn nhận được sự kính trọng, hoài niệm của mỗi người dân Trung Quốc.

Tượng các chiến sĩ giải phóng quân miền Nam Việt Nam do Quân khu Quảng Châu tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp sinh nhật lần thứ 77 của Người (ngày 19.5.1967)

Tượng các chiến sĩ giải phóng quân miền Nam Việt Nam do Quân khu Quảng Châu tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp sinh nhật lần thứ 77 của Người (ngày 19.5.1967)

Phần 3 “Dấu ấn Hồ Chí Minh - Tình hữu nghị mãi trường tồn” đề cao mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng và dày công vun đắp tiếp tục được các thế hệ sau kế thừa, phát triển, trở thành tài sản chung vô cùng quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Việt - Hoa.

 Những địa điểm in đậm dấu chân hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc

Những địa điểm in đậm dấu chân hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc

Ngày nay, những địa điểm in đậm dấu chân hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc vẫn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và Nhân dân Trung Quốc bảo tồn, phát huy giá trị, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, tổ chức hoạt động giao lưu cho các tầng lớp nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đây không chỉ là những di tích lưu niệm quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất bạn mà còn là di sản tinh thần vô giá, gắn kết và truyền thụ tình hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” của hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Triển lãm “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến hết tháng 4.2025.

Minh Vân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hon-200-tai-lieu-hien-vat-ve-dau-chan-ho-chi-minh-o-trung-quoc-post396059.html