Hơn 23 triệu học sinh chính thức bước vào năm học mới
Sáng nay (5/9), hơn 23 triệu học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2024-2025.
Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, năm học này, Thủ đô tiếp tục dẫn đầu về số lượng học sinh với gần 2,3 triệu em, 130.000 giáo viên và hơn 2.900 trường học. Đây cũng là một năm học đặc biệt khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp.
Ngay khi kết thúc năm học 2023 - 2024, Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị quận, huyện đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn.
Sáng 5/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến dự lễ khai giảng tại Trường THPT Phạm Hùng (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đã đạt được của đội ngũ thầy cô giáo và học sinh nhà trường thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, dành những điều tốt đẹp nhất để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đảm bảo cho trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh Văn Liên Na (Hà Nội) chia sẻ: “Với trường, lễ khai giảng không chỉ là dấu mốc bắt đầu năm học mới mà còn là ngày hội đến trường của học sinh”.
Hôm nay, trường cũng cắt băng khánh thành thùng rác phân loại chuyên biệt cho giấy, chai nhựa và thủy tinh - khởi đầu triển khai rộng hoạt động phân loại rác trong môi trường học đường, biến rác thành tài nguyên quý và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Tại Hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ (Hà Nội), lễ khai giảng theo chủ đề năm học này của trường: “Kết nối tri thức, lan tỏa yêu thương”.
Ở khối mầm non, trường tổ chức cho phụ huynh viết thiệp gửi lời yêu thương đến các con; khối tiểu học tổ chức triển lãm tranh “chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập trường và các ngày lễ lớn của đất nước” do học sinh vẽ; khối THPT có chương trình “trao tặng sách - gửi yêu thương” để mỗi học sinh gửi tặng 1 quyển sách, truyện... đến các bạn vùng sâu vùng xa.
Tại Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), với chủ đề “năm học của sự đặc sắc”, năm nay, thầy và trò toàn trường quyết tâm thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Áp dụng triết lý học tập siêu hiệu quả; Chuyển đổi số; Giáo dục về biến đổi khí hậu.
Trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cũng đã tổ chức ngày hội đến trường của bé. Bà Trịnh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Liệt cho biết, năm nay nhà trường không còn xảy ra tình trạng học sinh quá đông như cách đây 2 năm nên không không còn tình trạng phụ huynh phải bốc thăm chọn suất học.
Hình ảnh khai giảng tại Trường Tiểu học Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Hiệu trưởng Tạ thị Thanh Tâm cho biết, cơ sở vật chất nhà trường khang trang, sạch đẹp nhưng còn thiếu nhiều phòng, các em phải học luân phiên.
Tại TPHCM, năm nay địa phương này dự kiến có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng hơn 24.000 em so với năm học trước. Tăng học sinh là một trong những áp lực của TPHCM trong những năm qua, nhất là tại những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), cô Hà Ngọc Huyền chia sẻ, năm nay cô được nhà trường phân công phụ trách chủ nhiệm lớp 1/5 với 38 em. Từ sáng sớm, cô Huyền và các giáo viên đã có mặt để chuẩn bị cho lễ khai giảng.
Trong khi đó, Nhã Quyên (lớp 3/5) hào hứng khi quay trở lại trường sau thời gian nghỉ hè. Sáng nay, em dậy từ 5h để bố mẹ chuẩn bị đưa đến trường dự khai giảng.
Năm nay, Đà Nẵng có khoảng 290.300 trẻ mầm non và học sinh phổ thông bước vào năm học mới. Thành phố đang xây dựng thêm 35 công trình phục vụ việc dạy và học, tiếp tục miễn học phí đối với cấp mầm non và phổ thông.
Tại cụm trường xã Tà Mung, Than Uyên, Lai Châu, hơn 1.000 học sinh hòa trong không khí vui tươi của ngày tựu trường.
Ông Phạm Văn Mạnh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung (huyện Than Uyên) chia sẻ: Năm học vừa qua, Cụm trường xã Tà Mung tự hào khi lần đầu tiên có học sinh giỏi cấp tỉnh. Với kết quả trên, ông Mạnh kêu gọi tập thể giáo viên, học sinh tiếp tục đoàn kết, phấn đấu đạt kết quả cao trong năm học mới.
Sáng 5/9, hơn 300 học sinh cụm Trường Tiểu học Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) dự lễ khai giảng năm học mới. Đây là ngôi trường bị ảnh hưởng nặng nề sau trận mưa lũ tháng 7 vừa qua.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hà Minh Công, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Nơi cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới, hơn 1 tháng qua, đảng ủy, chính quyền địa phương cùng các thầy cô đã nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định việc dạy học.
Tại Trường Sa (Khánh Hòa), sáng 5/9, các trường học trên huyện Trường Sa tưng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025.
Trước ngày khai giảng, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ giáo viên, phụ huynh, học sinh trên các xã đảo và thị trấn Trường Sa đã tổ chức dọn vệ sinh, củng cố cảnh quan môi trường, chỉnh trang lớp học.
Trong không khí trang nghiêm, rực rỡ cờ hoa, với những bộ quần áo mới, niềm vui trên những khuôn mặt trẻ thơ, quân và dân trên đảo đã thể hiện sự quan tâm, động viên các giáo viên và học sinh khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua “Dạy tốt- học tốt”.
Tại Nam Định, lễ khai giảng diễn ra với sự tham dự của hơn 435.600 trẻ mầm non và học sinh phổ thông, cùng hơn 26.000 cán bộ, giáo viên.
Trong bối cảnh ngành giáo dục đang có nhiều đổi mới, nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, năm học 2024 - 2025, trường sẽ tập trung đẩy mạnh việc áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời chú trọng phát triển kỹ năng sống cho học sinh qua các hoạt động ngoại khóa.
Bà Thu Hiền cũng nhấn mạnh, trong năm học mới, nhà trường tiếp tục xây dựng môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, nơi mà mỗi học sinh đều cảm thấy mình được yêu thương, tôn trọng và có cơ hội phát huy tối đa khả năng của bản thân.
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Đây là năm Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.
Tư lệnh ngành giáo dục - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, đây là năm học “có rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn”. Một trong những nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT lấy làm trọng tâm của năm học này là nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trong đó sẽ nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Việc phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên cũng được ngành giáo dục ưu tiên, trong đó tập trung tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ngành sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Ở bậc mầm non, Bộ sẽ chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.