Hơn 300 thành phố ủng hộ Liên hợp quốc chiến đấu chống lại thảm họa toàn cầu

Khoảng 332 thành phố trên toàn thế giới đã ủng hộ một chiến dịch do Thành phố New York dẫn đầu nhằm giải quyết các mục tiêu toàn cầu về nghèo đói, bất bình đẳng, bất công và biến đổi khí hậu và cam kết báo cáo tiến trình của họ cho Liên hợp quốc.

Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Ông John Kerry kêu gọi Mỹ, Trung Quốc bỏ qua khác biệt để hợp tác chống biến đổi khí hậu

Khủng hoảng khí hậu có thể khiến 8 tỷ người mắc bệnh sốt rét và sốt xuất huyết

Đợt nắng nóng ở Tây Bắc Thái Bình Dương có thể sớm lặp lại do biến đổi khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh G7 đồng thuận về vấn đề Đài Loan, COVID và biến đổi khí hậu

Các thành phố đã ký vào một tuyên bố tự nguyện do thành phố New York soạn thảo, tăng từ khoảng 22 thành phố khi phong trào phát động vào tháng 9/2019, Ủy viên các vấn đề quốc tế của thành phố Penny Abeywardena cho biết.

Bà Abeywardena nói: “Mục đích của việc này là tăng cường tính ảnh hưởng bằng cách tạo ra những tác động về ý thức và suy nghĩ".

Bà cho biết một số thành phố đã được thúc đẩy bởi vì chính phủ quốc gia của họ đã không làm như vậy, đồng thời những thành phố này coi các mục tiêu toàn cầu là một cách để lập khung cho sự phục hồi của họ sau đại dịch COVID-19.

Các bên ký cam kết thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), được Liên hợp quốc lập năm 2015 như một danh sách "việc cần làm" trên phạm vi rộng để giải quyết các vấn đề như xung đột, đói kém, suy thoái đất đai, bình đẳng giới và khí hậu.

Mỗi bên cam kết sẽ báo cáo tiến trình của mình cho Liên Hợp Quốc và mỗi bên sẽ tự quyết định tần suất báo cáo. Vào năm 2018, New York cho biết họ là thành phố đầu tiên làm như vậy, gửi bản Đánh giá địa phương tự nguyện (VLR) về công việc của mình đối với năm trong số các mục tiêu.

Khi đại dịch COVID-19 lây lan khắp thế giới, thành phố New York là một trong những thành phố lớn sớm nhất bị ảnh hưởng nặng nề vào tháng 3/2020 và phong trào mục tiêu toàn cầu cho các thành phố cũng cho phép họ chia sẻ trong thời gian thực cách họ đang đối phó với dịch, bà Abeywardena nói.

"Các khu vực khác nhau, các thành phố và tiểu bang khác nhau bị ảnh hưởng vào những thời điểm khác nhau," bà nói và nhấn mạnh, "cũng nhờ kế hoạch này mà chúng tôi có thể chia sẻ thông tin, những gợi ý và cách làm để những thành phố khác có thể tham khảo nếu gặp tình huống tương tự".

Hiện nay, bên cạnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới thì một số thành phố đang phải chịu thảm họa kép như cháy rừng và lũ lụt. Đây là lời cảnh báo để các thành phố trên khắp thế giới cần nỗ lực hơn nữa để cùng nhau chống lại biển đổi khí hậu, đói kém, suy thoái đất đai và nhiều vấn đề xã hội khác.

Trung Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hon-300-thanh-pho-ung-ho-lien-hop-quoc-chien-dau-chong-lai-tham-hoa-toan-cau-post145972.html