Hơn 38.000 thầy trò mắc Covid-19, TP.HCM đối mặt thiếu giáo viên
Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 1 đến 7/3 trong số học sinh TP.HCM mắc Covid-19 là hơn 34.000 ca, tăng gần gấp đôi tuần trước.
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ 1-7/3, số F0 trong trường học TP.HCM tăng gấp đôi so với tuần trước.
Trong đó số trẻ mầm non bị nhiễm Covid-19 là 1.169 bé, học sinh tiểu học mắc Covid-19 là 16.019 ca, số ca F0 trong học sinh trung học cơ sở là 10.313. Trong khi đó, ở bậc THPT và Giáo dục thường xuyên có 6.701 ca, đưa tổng số học sinh nhiễm Covid-19 trong tuần lên 34.202 ca. Số này tăng gần gấp đôi so với tuần trước (19.499 ca).
Cũng trong tuần qua, trường học TP.HCM ghi nhận 3.247 giáo viên nhiễm Covid-19. Tính đến hiện tại, có 454 trường học có học sinh nhiễm Covid-19, trong khi tuần trước đó là 306 trường.
Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận, số ca nhiễm tăng đều ở các khối, trong đó khối tiểu học vẫn cao hơn các khối còn lại. Lý do F0 tăng là do nhà trường chủ động tầm soát các học sinh, giáo viên, người lao động có triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi..., xét nghiệm định kỳ F1, gia đình tự test nhanh cho học sinh.
Trước tình trạng này Sở Y tế TP.HCM thành lập 2 đoàn kiểm tra phòng, chống dịch tại trường học nhằm kiểm tra công tác an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là việc tổ chức ăn, ngủ tại một trường có tổ chức bán trú.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, sau 3 tuần học sinh tất cả bậc học đồng loạt đến trường, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đối mặt với bài toán thiếu giáo viên do số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng cao; Số ca nhiễm Omicron trong trường học đang tăng, Sở GD-ĐT đã có một số phương án và kịch bản ứng phó cho các trường học tự linh động với tình hình thực tế nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Cũng theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, hiện nay, số F0 và F1 là giáo viên và học sinh trên địa bàn TP.HCM có xu hướng đang tăng. Cụ thể, về số ca dương tính là học sinh, tuần lễ từ ngày 14-21/2 ghi nhận 6.799 ca, tuần lễ từ ngày 22-28/02 là 18.028 ca, ngày 3/3 là 509 ca, tuy nhiên tỉ lệ học sinh mắc Covid-19 phải nhập viện ở mức thấp (dưới 0,1%).
Trước tình hình trên, thành phố vẫn đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp, đồng thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà cho trẻ mắc Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo hạn chế nguy cơ lây lan từ trẻ em mắc Covid-19 sang người thuộc nhóm nguy cơ.
Trước đó, UBND TP.HCM đã điều chỉnh một số nội dung trong quy trình kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học đã ban hành trước đó. Cụ thể, trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên (hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn) cho những trường hợp học sinh và giáo viên có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 (nếu có) của lớp có F0...”.
Về việc xét nghiệm đối với trường hợp F1 sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà, phụ huynh tự thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh tại nhà vào ngày thứ 5 nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, hoặc ngày thứ 7 nếu chưa tiêm đủ liều vắc xin; thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách gửi hình ảnh kết quả xét nghiệm (qua email/zalo/viber/tin nhắn...). Trường hợp phụ huynh không có điều kiện thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh tại nhà, phụ huynh có thể đưa học sinh đến Trạm y tế để nhân viên y tế thực hiện phụ huynh hoặc nhân viên Trạm y tế thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm theo cách thức như trên. Kết quả xét nghiệm âm tỉnh gửi đến giáo viên chủ nhiệm được xem như đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường học”.
Về theo dõi sức khỏe của các học sinh cùng lớp có F0, các cơ sở giáo dục phải lập danh sách học sinh thuộc nhóm nguy cơ (béo phì, mắc các bệnh mạn tinh, bệnh lý bẩm sinh... được ban hành kèm theo Quyết định 5525/QĐ-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị) để theo dõi sát sức khỏe trong vòng 10 ngày".