Hơn 4.000 ha lúa, cây trồng tại Thanh Hóa bị ngập úng, đổ gãy
Mưa lũ những ngày qua đã gậy thiệt hại nặng nề cho tỉnh Thanh Hóa, hiện ngành chức năng tỉnh này đang khẩn trương chỉ đạo khắc phục hậu quả sau mưa lũ...
Chủ động ứng phó với mưa lũ, các huyện trong tỉnh Thanh Hóa đã sơ tán 1.012 hộ, 4.184 khẩu dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng đến nơi an toàn và đến thời điểm này có 307 hộ với 1.196 khẩu đã trở về nơi ở cũ.
Qua tổng hợp, cập nhật, lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 289 nhà ở bị thiệt hại, 3.107ha lúa, 1.120ha cây trồng hằng năm bị ngập úng, đổ gãy; 10 điểm trường bị ảnh hưởng, 28 cây cột điện hạ thế bị đổ, gãy, 1,8km bờ sông, bờ suối bị sạt lở... Ngập đường, tràn cục bộ, sạt lở ta-luy, sa bồi mặt đường, sụt lún, nứt mặt đường phát sinh trên nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, hệ thống giao thông nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu.
Các Công ty khai thác công trình thủy lợi tiếp tục thực hiện khẩn trương các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Công ty Điện lực Thanh Hóa có trách nhiệm cấp điện an toàn và liên tục cho các trạm bơm tiêu, cống tiêu.
Ngày 12/9, Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa phát đi bản tin cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên khu vực tỉnh Thanh Hóa.
Đến trưa cùng ngày, Thanh Hóa có 7 huyện nằm trong nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Thường Xuân. Các đơn vị khác như: Lang Chánh, Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân đang ở mức nguy cơ cao xảy ra các hình thức thiên tai nói trên.
Các địa phương, đơn vị liên quan và người dân cần chủ động các phương án bảo đảm an toàn, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Trước những thiệt hại do mưa bão gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện, triển khai nhanh công tác khắc phục hậu quả. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ phải đi sơ tán/di dời; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục nhanh các nhà ở bị thiệt hại do thiên tai. Thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác và hộ đê theo quy định, nhất là các tuyến đê sông Mã, sông Bưởi, sông Lèn, sông Cầu Chày.
Chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê, cập nhật đầy đủ, chính xác tình hình thiệt hại do bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây ra, báo cáo kịp thời về 3 Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh.
Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã điều động hơn 8.000 lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra.