Hơn 4.500 doanh nghiệp Thanh Hóa vay hơn 50.000 tỷ đồng để kinh doanh

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến đầu tháng 9/2023, tỉnh Thanh Hóa có 4.591 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh, với tổng dư nợ 50.547 tỷ đồng.

 Đầu tháng 9/2023, tỉnh Thanh Hóa có 4.591 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đầu tháng 9/2023, tỉnh Thanh Hóa có 4.591 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khai thác tốt nguồn vốn. Đồng thời, tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục triển khai các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Nguồn vốn với lãi suất hợp lý đã giúp nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Hiện nay các tổ chức tín dụng đang tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình như: Chương trình cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp - nông thôn; cho vay xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ; cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản...

Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, điều chỉnh giảm lãi suất, giúp các doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn về tài chính, phục hồi năng lực sản xuất, kinh doanh.

Theo thông tìn từ NHNN Việt Nam, đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Trong khi trước đó, NHNN cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022).

Hơn nữa, NHNN thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: Khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các TCTD để đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5-2%/năm).

NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt và cũng đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống.

Lan Anh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/hon-4500-doanh-nghiep-thanh-hoa-vay-hon-50000-ty-dong-de-kinh-doanh-d42502.html