Hơn 400 tỷ đồng hàng năm hỗ trợ các địa phương cải tạo, nâng cấp các công trình nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài

là thông tin được ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng vụ kế hoạch – Tài chính (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng trong cuộc trao đổi mới đây.

Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ.

Theo đó, những năm gần đây, ngân sách Trung ương hàng năm thông qua Bộ LĐTB&XH hỗ trợ các địa phương trong công tác cải tạo, nâng cấp mộ liệt sỹ, nghĩa trang, tượng đài. Cụ thể, nguồn kinh phí trên sẽ được phân bổ để các địa phương thực hiện các công việc như, đón nhận đưa vào nghĩa trang, an táng, xây vỏ mộ, hỗ trợ một phần các công trình nhà bia ghi tên liệt sỹ, tượng đài tưởng niệm, các hạng mục sửa chữa nâng cấp các nghĩa trang hiện có. Theo lời ông Phụng thì thống kê 3 năm trở lại đây, ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương trên toàn quốc như sau, năm 2015 là 450 tỷ đồng; năm 2014 là 400 tỷ đồng, năm 2016 là 410 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Quang Phụng, những năm trước đây, công tác đầu tư, quản lý xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ, đền đài tưởng niệm ở các khu có di tích lịch sử, chiến tích tiêu biểu đều do Bộ LĐTB&XH đứng ra thực hiện đầu tư.

Có thể nêu ra một số các công trình tiêu biểu do Bộ LĐTB&XH đã thực hiện đầu tư ở giai đoạn trước năm 2012 như: Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9, nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn hoặc một số nghĩa trang ở các địa phương như Tân Biên (Tây Ninh), Tam Nông (Đồng Tháp), Kon Tum, Ba Tơ (Quảng Ngãi), Mộc Hóa (Long An)…

Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9.

Còn đối với những công trình đang thi công dang dở như nghĩa trang ở Tuyên Hóa, Nam Danh (Quảng Bình) và một đền thờ liệt sỹ ở tỉnh Thái Bình cũng do Bộ LĐTB&XH đầu tư từ trước năm 2012 đang được tiếp tục đầu tư để hoàn thiện. Số vốn đầu tư cho các công trình trên lần lượt là ở hai tỉnh trên là 70,2 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

Từ năm 2013 đến nay, việc đầu tư đền đài, nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài… đã giao cho các địa phương quản lý, các địa phương hiện vẫn chủ động để làm. Tuy nhiên, hiện vẫn có vướng mắc về cơ chế đầu tư, xây dựng, bố trí vốn chưa rõ ràng, bó hẹp vào quy định huy động nguồn lực. Hiện tại, việc huy động nguồn lực, kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng các đền đài, nghĩa trang liệt sỹ quy định có 3 nguồn: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. Vì thế, tới đây Bộ LĐTB&XH sẽ sửa pháp lệnh ưu đãi người có công để quy định rõ về trách nhiệm trong việc đầu tư, xây dựng các công trình đền đài, nghĩa trang liệt sỹ…

Ông Phụng cũng cho biết thêm, ngoài việc hỗ trợ từ ngân sách, trung ương, ngân sách địa phương, có nhiều địa phương làm rất tốt việc huy động, xã hội hóa bằng sự đóng của người dân, doanh nghiệp để xây dựng các nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài… có nhiều doanh nghiệp đóng góp lên đến vài chục tỷ đồng.

Ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ LĐTB&XH.

Về kiến trúc xây dựng tại các nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài, nhà bia liệt sỹ… ông Phụng cho biết, do địa phương lựa chọn vì nó phụ thuộc vào văn hóa địa phương, phong tục tập quán, lịch sử văn hóa, chiến tích lịch sử văn hóa tiêu biểu….

Số liệu công bố mới của Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, hiện cả nước đang có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 1.750 đài tưởng niệm liệt sĩ, 4.810 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 3.077 nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành công trình lịch sử văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như: Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An)...

Huy Thảo

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/hon-400-ty-dong-hang-nam-ho-tro-cac-dia-phuong-cai-tao-nang-cap-cac-cong-trinh-nghia-trang-liet-sy-tuong-dai.html