Hơn 5 triệu hộ kinh doanh không thể tiếp tục đứng ngoài luật
Hơn 5 triệu hộ kinh doanh chiếm tới 30% GDP nhưng chưa được thừa nhận vị trí pháp lý bằng cách luật hóa, mà chỉ mới có một Nghị định điều chỉnh. Chính việc bỏ ngỏ này mà cho đến nay, sau 20 năm chúng ta vẫn chưa có đánh giá chính xác được về khu vực này.
Đây cũng là một trong những vấn đề được giới chuyên môn, chuyên gia và nhà quản lý đưa ra thảo luận trong hội thảo xin ý kiến về 2 dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) đã tổ chức ngày 28-11 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Doanh nghiệp 2014 sau 4 năm đi vào thực thi đã bộc lộ những điểm hạn chế. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều nội dung của Luật Doanh nghiệp hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng về thời gian, chi phí cho việc tuân thủ; một số nội dung của Luật không còn tương thích với nhiều luật mới được ban hành, cần phải bổ sung để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới.
Một số mô hình, phương pháp kinh doanh mới đã xuất hiện, như kinh tế chia sẻ, kinh doanh thời 4.0…, cần khuôn khổ pháp lý mới để quản lý. Các nước trong khu vực cũng có những điều chỉnh luật mới để thu hút đầu tư (Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…) và Việt Nam cũng trong dòng chảy này.
Tại dự thảo về Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, một trong những nội dung được quan tâm thảo luận là quy định về hộ kinh doanh (HKD). Cụ thể, dự thảo bổ sung chương VIIa về HKD, quy định về vị trí, quyền và nghĩa vụ của chủ HKD, đăng ký HKD, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký HKD và thực hiện quyền chủ HKD trong một số trường hợp đặc biệt.
Th.s Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên ban soạn thảo cho hay, HKD không phải là nội dung mới hoàn toàn của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Khoản 2 Điều 212 Luật 2014 (hiện hành) đã quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh có quy mô nhỏ.
Dựa trên điều khoản này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có 1 chương quy định về đăng ký hộ kinh doanh. Theo ông Hiếu, xét về bản chất, HKD là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ của hộ cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. “Về lâu dài thì cũng có thể xem xét để xây dựng một luật riêng về HKD, nhưng trước mắt nên được điều chỉnh trong Luật DN”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI hoàn toàn ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN để đến khi mọi điều kiện về hộ kinh doanh chín muồi sẽ ban hành luật riêng về hộ kinh doanh. “Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN không có tác động xấu nào với các hộ, các hộ sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho DNNVV mà hiện nay các hộ này chưa được hưởng vì không nằm trong luật”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, hầu hết các ý kiến từ giới chuyên gia, nhà quản lý, DN đều ủng hộ việc đưa HKD vào chế định tại Luật DN. Song, các ý kiến cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý phải giải quyết khi luật hóa về HKD. Đại diện SCIC cho rằng, hơn 5 triệu HKD hiện nay đang có ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội.
Song quy định về HKD như dự thảo còn hơi sơ sài, đặc biệt về quyền và nghĩa vụ. Do đó, cần bổ sung thêm các điều khoản bao trùm, cũng như một số nguyên tắc chi tiết để đảm bảo HKD tuân thủ pháp luật khi tham gia các lĩnh vực kinh doanh, đồng thời được hưởng đầy đủ các quyền lợi, nghĩa vụ trong kinh doanh.