Hơn 50% vốn vay ODA cần giải ngân trong tháng 12
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, kết quả giải ngân vốn vay ODA tháng 11 đã tốt hơn, nhưng khối lượng công việc còn lại từ nay đến cuối năm rất nhiều, với hơn 50% kế hoạch sau điều chỉnh.
11 tháng giải ngân được hơn 6.300 tỷ đồng, nhiều đơn vị giải ngân chậm
Sáng ngày 7/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) của Chính phủ 11 tháng của năm 2020 và các biện pháp tăng cường giải ngân cuối năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 11 tháng của năm 2020, các bộ, ngành đã giải ngân được 6.312 tỷ đồng, đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm và 45,51% nếu tính trên số kế hoạch năm 2020 đã được điều chỉnh sau khi cắt giảm của các bộ, ngành (4.346 tỳ đồng). Số liệu giải ngân này đã bao gồm một phần số giải ngân theo cơ chế L/C mà các nhà tài trợ đã gửi thông báo cho Bộ Tài chính.
Số kiểm soát chi kế hoạch vốn năm 2020 của Kho bạc Nhà nước 11 tháng của năm đối với các dự án bộ, ngành thực hiện là 6.413 tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch năm.
Tính đến hết ngày 30/11, tình hình giải ngân nguồn đầu tư công của ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đạt tỷ lệ 41% so với dự toán (điều chỉnh). Có 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% (dự toán đã điều chỉnh) là Hà Nội, Bình Định, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương, số giải ngân đạt tỷ lệ 38% so với dự toán được giao, 41% so với dự toán sau khi trừ số đề nghị hủy và giải ngân được 76% dự toán 2019 được chuyển nguồn, kéo dài.
Đáng chú ý, bên cạnh những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao, vẫn còn một số bộ ngành có tỷ lệ giải ngân vốn vay ODA thấp như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Thậm chí một số bộ, ngành cam kết giải ngân 100% số vốn vay nước ngoài như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay vẫn chậm.
Bộ Tài chính cho rằng, một số nguyên nhân khiến cho việc giải ngân chậm là trong giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng, phân công trách nhiệm chủ đầu tư thiếu rõ ràng.
Việc chậm ký hợp đồng vay lại cũng là một nguyên nhân chủ quan cần được tính đến. Sau khi hiệp định vay được ký kết và có hiệu lực, các chủ dự án tập trung lựa chọn đơn vị tư vấn, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán… tổ chức đấu thầu thi công để có khối lượng giải ngân nên chưa chú trọng việc hoàn thiện và ký kết các hợp đồng vay lại. Một số dự án Bộ Tài chính phải có công văn đôn đốc nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng cho vay lại.
Xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà, cho rằng tháng 12 là tháng tập trung cao điểm hoàn thành các thủ tục thanh toán, trong đó lập các hồ sơ, phiếu đánh giá để xác định khối lượng cơ bản hoàn thành, gửi hồ sơ tới Kho bạc để thực hiện kiểm soát chi, thực hiện lập phiếu chi, giải ngân rút vốn và khóa sổ quyết toán ngân sách nhà nước.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết đối với các gói thầu đã có ý kiến nhất trí của nhà tài trợ.
Đối với các chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh thời hạn giải ngân, phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký, và các điều chỉnh khác của hiệp định vay (nếu phát sinh) theo quy định, tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay Bộ đang phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, Văn phòng Chính phủ để hoàn chỉnh Nghị định sửa đổi Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, bảo đảm Nghị định sau khi được sửa đổi sẽ quy định đơn giản hóa quy trình, thủ tục thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại.
Ngoài ra, Thứ trưởng mong muốn các nhà tài trợ ủng hộ cho các dự án có nhu cầu kéo dài thời gian giải ngân, tạo điều cho các dự án được sử dụng hết nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời phối hợp với các dự án, các cơ quan chủ quản giải quyết các vướng mắc trong triển khai dự án, đặc biệt là khâu đấu thầu, phân chia gói thầu, xác nhận khối lượng thực hiện, quyết toán.