Hơn 500 triệu đồng ủng hộ quỹ vì biển đảo quê hương

Ngày 26-8, Công đoàn Cụm thi đua 6, Công đoàn Viên chức thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phát động ủng hộ Quỹ 'Vì biển đảo quê hương - Vì Tuyến đầu Tổ quốc' năm 2019. Đây là hoạt động hằng năm, được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Thành ủy hưởng ứng tham gia các hoạt động tuyên truyền về biên giới, biển đảo và vận động Quỹ 'Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc' do Ủy ban MTTQ thành phố phát động.

Qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, nhân viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biên giới, biển đảo; đồng thời huy động nguồn lực để xây dựng các công trình dân sinh là nơi hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, phối hợp nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên biển, xây dựng các công trình huấn luyện phục vụ công tác tuyên truyền, sẵn sàng chiến đấu và động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Ngay sau lễ phát động ban tổ chức đã đóng góp được hơn 500 triệu đồng cho Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.

PV

CHUYỂN ĐỔI CÔNG NGHỆ XỬ LÝ RÁC THẢI

Ngày 26-8, tại Trung tâm Báo chí thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức thông tin định hướng của thành phố về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom, vận chuyển năm 2018 là hơn ba triệu tấn, trung bình khoảng hơn 9.200 tấn/ngày. Trong đó, có đến hơn 72,5% được xử lý chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế nhưng tỷ lệ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của thành phố. Định hướng thời gian tới của thành phố Hồ Chí Minh trong công tác xử lý chất thải rắn đô thị là ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý, phục vụ phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng xanh. Theo đó, thành phố sẽ chuyển đổi công nghệ đầu tư, đổi mới công nghệ xử lý tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện.

Thành phố hướng đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50% và đến năm 2025 chỉ còn 20%; Phấn đấu đến cuối năm 2020, 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Năm 2020, thành phố tiếp tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hai nhà máy đốt phát điện.

PV

THANH TRA VIỆC SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Ngày 26-8, Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những hoạt động nhằm kiểm soát việc sản xuất thực phẩm chức năng tràn lan, gây tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, các đơn vị sẽ tăng cường thanh tra việc kinh doanh, phân phối thực phẩm chức năng, nhất là mua bán không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, Ban Quản lý thành lập tổ công tác thường trực rà soát, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, tại các hội thảo và trên phương tiện truyền thông đại chúng.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41346802-hon-500-trieu-dong-ung-ho-quy-vi-bien-dao-que-huong.html