Hơn 7.400 học sinh đoạt giải quốc gia Violympic 2021 - 2022
Sáng ngày 2/6, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ tôn vinh và trao giải Cuộc thi giải Toán và Vật lý qua Internet (Violympic) năm học 2021 – 2022 khu vực phía Bắc. Sự kiện cũng đánh dấu cột mốc năm thứ 15 Violympic tiếp lửa niềm đam mê toán học và tạo cơ hội tiếp cận công nghệ số cho 40 triệu học sinh cả nước.
Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo, lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Ban cố vấn, lãnh đạo Tập đoàn FPT, các đơn vị tài trợ, đối tác, truyền thông cùng 1.500 đại biểu là các em học sinh xuất sắc đạt giải chung kết quốc gia năm học 2021 - 2022 của các tỉnh, thành phố phía Bắc, các thầy cô giáo và phụ huynh của các em.
Dựa trên kết quả và tính hợp lệ của các bài dự thi vòng chung kết quốc gia, trong 64.569 học sinh dự thi có 7.455 em học sinh đạt giải ở 3 bộ môn: Toán tiếng Anh, Toán tiếng Việt và Vật lý. Trong đó có 814 học sinh đạt giải Vàng; 1.347 học sinh đạt giải Bạc; 2.149 học sinh đạt giải Đồng và 3.145 học sinh giành giải Khuyến khích.
Thống kê theo môn thi, môn Toán Tiếng Việt dẫn đầu với 504 giải Vàng, 919 giải Bạc, 1.409 giải Đồng, 2.226 giải Khuyến khích. Toán Tiếng Anh có 200 thí sinh đạt giải Vàng, 307 giải Bạc, 510 giải Đồng, 701 giải Khuyến khích. Vật lý có 110 giải Vàng, 121 giải Bạc, 230 giải Đồng và 218 giải Khuyến khích.
Để đạt được những thành tích này, các em đã vượt qua 6 vòng thi tự luyện, 3 vòng các cấp trường, quận, huyện, tỉnh, thành phố. Đồng thời, các em dẫn đầu trong cuộc đua gần 65.000 học sinh đến từ 49 tỉnh, thành tham gia phòng chung kết quốc gia.
Năm học 2021 - 2022, Ninh Bình là địa phương dẫn đầu về số lượng học sinh đoạt giải với tổng số 1.224 em. Giải Vàng nhiều nhất thuộc về tỉnh Phú Thọ.
Phát biểu tại buổi Lễ, bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc chương trình Violympic, cho biết: “Violympic được ra đời và phát triển với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường thông qua việc ứng dụng CNTT, tạo sân chơi trực tuyến thân thiện, lành mạnh qua đó hỗ trợ học sinh ôn luyện, củng cố kiến thức, làm quen với Internet và sử dụng Internet như là một phương thức học tập hiệu quả.”
Là một trong những sân chơi giải Toán qua mạng đầu tiên tại Việt Nam, Violympic đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của hàng triệu học sinh cả nước, số lượng học sinh tham gia năm sau đều cao hơn năm trước.
Xuất phát điểm là cuộc thi giải Toán bằng tiếng Việt trên Internet, Violympic mở rộng sang cả Toán Tiếng Anh và Vật Lý. Từ quy mô 40.000 học sinh tham gia, Violympic đã trở thành “món ăn tinh thần” của gần 40 triệu học sinh tại 63 tỉnh thành trên cả nước với gần 100 triệu lượt thực hành trên hệ thống mỗi năm.
Trong giai đoạn 2015 – 2016, Violympic đã vượt khỏi phạm vi Việt Nam khi ra mắt những sân chơi như Global Violympic (thu hút 35.000 thí sinh từ 35 quốc gia, vùng lãnh thổ).
Với thế mạnh công nghệ, Violympic còn không ngừng cải tiến hệ thống và hạ tầng, nâng cấp tính năng qua mỗi mùa để ngày càng hỗ trợ tốt hơn, tạo động lực tích cực cho việc học của các em. Cuộc thi đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục 4.0 tại Việt Nam.
Đánh giá về cuộc thi, TS. Đỗ Đức Quế – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Việc duy trì sân chơi này giúp các em, dù là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng Internet như một phương thức học tập hiệu quả để khai thác nguồn học liệu phong phú, qua đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.”
Theo Ban tổ chức, trên chặng đường phát triển tiếp theo, Violympic sẽ mở rộng về nội dung, xây dựng thêm sân chơi trên các môn học mới. Đồng thời, tiếp tục tích hợp công nghệ giáo dục 4.0 triệt để, hoàn thiện hình thức, giữ vững tính ổn định và bảo mật của hệ thống.